ESA đang hợp tác với công ty Solsys Mining của Na Uy để phát triển phương pháp chuyển đổi đất mặt trăng thành phân bón cho cây trồng thủy canh.
Trồng cây trên Mặt Trăng rất cần thiết cho tham vọng thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt thiên thể, nhưng đây là công việc cực kỳ khó khăn vì đất Mặt Trăng thiếu các hợp chất nitơ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thực vật.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang hợp tác với công ty nông nghiệp Solsys Mining, Viện Địa kỹ thuật Na Uy và Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành trong Không gian để nghiên cứu một cách tiếp cận mới: canh tác thủy canh.
Mô phỏng phương pháp canh tác thủy canh trên Mặt Trăng. Ảnh: ESA
Thủy canh là trồng cây trong nước giàu chất dinh dưỡng thay vì đất. Nó đã được sử dụng phổ biến trên Trái Đất, đặc biệt là tại các cơ sở canh tác thẳng đứng.
Dự án do ESA dẫn đầu tập trung tìm ra phương pháp tối ưu nhằm chiết xuất lượng chất dinh dưỡng cao nhất từ đất Mặt Trăng để làm phân bón cho cây trồng thủy canh. Quá trình nghiên cứu dự kiến kéo dài đến cuối năm 2023 với ngân sách €100.000 (xấp xỉ 106.000 USD).
Canh tác thủy canh trên Mặt Trăng đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy chế biến trên bề mặt thiên thể để chiết xuất các chất dinh dưỡng từ đất đá trước khi bơm chúng vào nhà kính cho cây trồng thủy canh.
"Để thiết lập sự hiện diện bền vững trên Mặt Trăng, con người cần sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có và tiếp cận các chất dinh dưỡng trong lớp đất mặt của thiên thể để trồng trọt", kỹ sư quy trình và vật liệu của ESA Malgorzata Holynska hôm 22/2 nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí. Nghiên cứu này sẽ góp phần mở đường cho các sứ mệnh Mặt Trăng trong tương lai như chương trình Artemis của NASA.