Chuyến bay vào vũ trụ của phi hành gia Tereshkova thu hút sự chú ý của toàn thế giới, chứng minh rằng phụ nữ có thể thực hiện các nhiệm vụ giống như nam giới.
Nữ tác giả Loretta Whitesides – cây bút chuyên về khám phá không gian của Mỹ nhận định, nữ phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova đã tạo ra một thời đại mới dành cho phụ nữ trong các nhiệm vụ khám phá không gian. Bên cạnh đó bà còn là cầu nối cho nhiều thế hệ nữ phi hành gia Liên Xô và Mỹ.
"Tôi được truyền cảm hứng từ chuyến du hành vũ trụ lịch sử của bà ấy. Phi hành gia Tereshkova là người tiên phong trong thế giới tưởng chừng chỉ dành cho nam giới trong những năm 1960” , cây bút Whitesides chia sẻ.
Tại Ấn Độ, bà Tereshkova được xem như "hình mẫu chuẩn mực nữ quyền mang thông điệp hy vọng cho phụ nữ".
Phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova - người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ. (Ảnh: Sputnik)
Bản thân bà Tereshova luôn là người ủng hộ mạnh mẽ quyền của phụ nữ và đã nói rất nhiều về chủ đề này. Bà từng châm biếm rằng: "Con chim không thể bay chỉ bằng một cánh. Chuyến bay vào vũ trụ của con người không thể phát triển hơn nữa nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ".
Nữ phi hành Liên Xô Tereshkova thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên của mình vào ngày 16/6/1963 trên tàu vũ trụ Vostok 6 được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Nhiệm vụ thành công vang dội khi Tereshkova đã bay vòng quanh Trái đất 48 lần trong 3 ngày với tổng lộ trình gần 2,5 triệu km.
Điều đặc biệt là bà Tereshkova thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên chỉ có một mình.
Bà Tereshkova cũng mở đường cho Svetlana Savitskaya trở thành người phụ nữ thứ hai du hành vũ trụ vào năm 1982.
Vượt qua 400 ứng viên để trở thành phi hành gia
Bà Valentina Tereshkova sinh năm 1937 trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung nước Nga. Cha qua đời trong Thế chiến thứ hai khi bà mới 2 tuổi, để lại mẹ một mình nuôi nấng Tereshkova và các anh chị em, theo Sputnik .
Bà bắt đầu làm việc từ khi còn nhỏ để giúp đỡ gia đình, đầu tiên là công nhân dệt may và sau đó là công nhân lắp ráp nhà máy.
Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, bà Tereshkova là một học sinh thông minh, đặc biệt yêu thích môn nhảy dù và đam mê khám phá hàng không. Năm 1959, Tereshkova tham gia Đoàn Thanh niên và nhanh chóng trở thành một vận động viên nhảy dù xuất sắc.
Sở thích nhảy dù đã giúp Tereshkova giành lợi thế trong kỳ thi tuyển.
Sau chuyến bay của nhà du hành Gagarin - người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ (12/4/1961), Liên Xô đã quyết định cử một đại diện phụ nữ bay lên vũ trụ với tiêu chí khắt khe, trong đó phải biết nhảy dù.
Tereshkova đã gây ấn tượng với hội đồng xét tuyển khi thực hiện hơn 120 lần nhảy. Bà vượt qua 400 ứng viên khác và được chọn tham gia sứ mệnh lịch sử này.
Chương trình huấn luyện khắc nghiệt
Theo Sputnik , bà Tereshkova phải trải qua chương trình huấn luyện bí mật kéo dài 6 tháng đầy khắc nghiệt bao gồm các khóa học về kỹ thuật tên lửa và tàu vũ trụ, hơn 100 lần nhảy dù, huấn luyện trên máy bay chiến đấu MiG-15UTI, không trọng lượng…
Sau này khi nhắc đến chương trình đào tạo phi hành gia, bà Tereshkova nói, trong khi các ứng viên nam thực hiện các bài tập rèn luyện sức chịu đựng gia tốc trọng trường khoảng 8Gs thì bà thực hiện ở mức 12 Gs. Bên cạnh đó bà cũng được yêu cầu ngồi trong buồng cách nhiệt với nhiệt độ lên tới 80 độ C với đầy đủ thiết bị bay.
Một trong những điều khiến bà Tereshkova cảm thấy khá khó chịu trong chương trình huấn luyện phi hành gia Liên Xô là bà phải mặc các bộ đồ vốn được thiết kế cho nam giới.
Sau chuyến bay đầu tiên của Tereshkova, các quan chức chương trình không gian của Liên Xô đã lên kế hoạch thành lập một đội gồm các nữ phi hành gia. Tuy nhiên kế hoạch này bị gián đoạn bởi một loạt bi kịch đối với ngành hàng không vũ trụ Liên Xô.
Năm 1966, thiết kế sư Sergei Korolyev qua đời, tiếp theo là tai nạn của Yuri Gagarin và thảm họa tàu Soyuz 11 làm ba phi hành gia thiệt mạng vào năm 1971 khi quay trở lại Trái Đất.
Những sự kiện này, cùng với dư luận tiêu cực về việc phụ nữ chết trong không gian, đã dẫn đến việc hủy bỏ chương trình phi hành gia dành riêng cho phụ nữ của Liên Xô.
Đối với bà Tereshkova, cái chết của Gagarin là một bi kịch kép, bởi nó đồng nghĩa với việc kết thúc sự nghiệp du hành vũ trụ của cô. Chính quyền Liên Xô đã làm mọi cách có thể để giữ an toàn cho bà, thậm chí tạm thời cấm cô bay trên máy bay và không bao giờ cho phép cô thực hiện một sứ mệnh khác vào vũ trụ.
Ngay cả trong những năm cuối đời, Tereshkova thừa nhận rằng bà vẫn mơ về chuyến bay vào vũ trụ. Bà nói rằng sẵn sàng đồng ý thực hiện sứ mệnh một chiều tới sao Hỏa mà không cần suy nghĩ.
VietBF@Sưu tầm