Vấn đề Biển Đông đang là đề tài nóng tại Mỹ. Hôm 21/9, tiểu ban Hải lực (Seapower and Projection Forces) thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ mở phiên điều trần về biển Đông. Hạ viện Mỹ lên tiếng chỉ trích Tổng thống Obama không mạnh tay nên Trung Quốc mới dám lấn tới tại Biển Đông.
Trong tuyên bố khai mạc buổi điều trần với chủ đề "Hải lực tại Biển Đông" (Seapower and Projection Forces in the South China Sea), nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch tiểu ban Hải lực, chuyên trách các vấn đề liên quan đến Hải quân Mỹ, đã không ngần ngại đánh giá rằng chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama là một chủ trương đúng đắn.
Vấn đề là những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ để thể hiện chiến lược đó không đủ để chống lại đà vươn lên về Quân sự và thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc.
Ông Forbes đã tỏ ý rất quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc lợi dụng thời cơ mấy tháng cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama để "thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, mở rộng việc bồi đắp bãi Scarborough, tăng tốc quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa, nhằm thách thức quyết tâm của Hoa Kỳ".
Trong tình hình đó, Mỹ cần phải có biện pháp mạnh để răn đe không cho Bắc Kinh tiến hành những việc này, và theo ông Forbes, các ý kiến của giới chuyên gia rất cần thiết để có thể chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, trấn an các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực và duy trì một thế cân bằng quân sự ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương - theo RFI.
Trong các tham luận của mình, các chuyên gia được mời góp ý, từ James Kraska, giáo sư luật Quốc tế tại Học viện Hải chiến Hoa Kỳ (US Naval War College), và Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc cũng thuộc Học viện Hải chiến Mỹ, cho đến bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, tất cả đều đã phê phán một số hành vi bị xem là quá rụt rè của chính quyền Obama trong việc chống lại những hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Các chuyên gia đã cho rằng các động thái như không dám gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là "phi pháp", hay là việc tuần tra nửa vời bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, đều phản tác dụng, không những không răn đe được Trung Quốc, mà thậm chí còn khuyến khích Bắc Kinh " khẳng định chủ quyền một cách phi pháp trên một số đảo trong vùng".
Therealtz © VietBF