Vietbf.com - Một nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đã bị kiện bức hình "Chú khỉ selfie" nổi tiếng đến phá sản, vì việc tranh chấp bản quyền bức ảnh lâu ngày đã khiến nhiếp ảnh gia này tiêu tốn rất nhiều tài sản, bởi không phải máy ảnh của bạn là bạn có quyền sở hữu mọi tấm hình trong đó.
Theo Guardian đưa tin, một phiên tòa tại Mỹ đã khiến nổ ra cuộc tranh luận mới về việc một con khỉ có thể sở hữu bản quyền bức ảnh selfie của nó hay không khi mà chiếc máy ảnh lại thuộc về nhiếp ảnh gia David Slater.
David Slater đã không thể có mặt trong phiên tòa xử lý vụ kiện của mình vì không có đủ tiền để mua vé máy bay từ nước Anh tới San Francisco vào hôm thứ Tư (12/7). Sau khi bị khởi kiện từ năm 2015, nhiếp ảnh gia David đã gần như phá sản khi phải trả tiền luật sư theo phiên tòa. Anh cũng không có tiền để mua lại chiếc máy ảnh đã vỡ - cần câu cơm cho công việc của mình.
Bức ảnh chú khỉ selfie nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Anh David Slater.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2011 với bức ảnh chú khỉ selfie. Khi David đi du lịch tại Sulawesi, Indonesia, anh đã dành nhiều ngày theo dõi và chụp ảnh đàn khỉ. Nhiếp ảnh gia cho biết bức ảnh khỉ selfie hoàn toàn là ý tưởng có chủ đích của anh khi cố tình "lừa" chú khỉ bấm nút chụp khi nhìn thẳng vào ống kính.
"Đấy không phải là một khoảnh khắc may mắn", David giãi bày. "Bạn phải cần kiến thức, sự kiên nhẫn, thời gian và nhiều thứ khác".
Ngay sau đấy, bức ảnh đã trở nên nổi tiếng. David cũng kiếm được bộn tiền từ bức hình, đủ để trang trải cho chuyến đi tới Indonesia. Tuy nhiên, bức ảnh trở thành chủ đề cho một vụ tranh chấp pháp lý vào năm 2014 khi David yêu cầu blog Techdirt và Wikipedia không được sử dụng bức hình mà không có sự cho phép của anh.
Wikipedia đã từ chối yêu cầu của nhiếp ảnh gia và khẳng định, bức hình này không có bản quyền vì con khỉ mới là người chụp bức ảnh. Trong khi đó, văn phòng Bản quyền Mỹ nói động vật không thể sở hữu bản quyền và xác nhận đây là bức ảnh không tác giả.
Sau đó, Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) đứng ra kiện Slater vì cho rằng chú khỉ mới là chủ sở hữu bức hình. Nhiếp ảnh gia David Slater và nhà xuất bản Blurb đã vi phạm bản quyền, khi cho ra mắt cuốn sách "Wildlife Personalities" có sử dụng hình selfie chú khỉ này.
Theo PETA, chú khỉ 6 tuổi này có tên là Naruto. Tuy nhiên, tòa án cũng đã bãi bỏ yêu cầu của PETA vào năm 2016 và cho rằng, động vật không phải đối tượng trong quy định của luật bản quyền.
Vụ tranh chấp dài ngày đã khiến anh David Slater gần như phá sản.
Với David Slater, việc tranh chấp bản quyền bức ảnh lâu ngày đã khiến anh tiêu tốn rất nhiều tài sản. Tuy vậy, anh vẫn cho rằng bản quyền bức hình này phải thuộc về mình.
"Tôi không có đủ tiền mua xe ô tô. Cũng chẳng có thiết bị máy ảnh nào cả. Giờ tôi đã thực sự phá sản".
Luật sư của David cũng đặt câu hỏi ngược cho PETA rằng liệu tổ chức này có thể chứng minh được con khỉ trong bức hình đúng là con khỉ mà PETA đưa thông tin ra không.
Điều an ủi duy nhất với David là bức ảnh của anh đã giúp cứu loài khỉ này khỏi bị tuyệt chủng.
"Những con vật này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhờ một bức ảnh của tôi, du lịch sinh thái địa phương đã phát triển và khách du lịch có ý thức bảo vệ động vật hoang dã hơn. Hy vọng là bức ảnh đã đóng góp vào việc cứu sống loài vật này. Đó là chủ ý ban đầu của tôi".