Để tránh bị thiệt hại nặng nề trước thiên tai, hải quân Mỹ đã sử dụng con hàu để làm lá chắn. Khi đối mặt với những con sóng lớn, con hàu sẽ làm giảm tác động của sóng lên tàu. Nhiều chuyên gia cho biết, việc sử dụng hàu giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường hơn rất nhiều.
Hàu tại căn cứ Earle. (Ảnh: AP)
Theo Dailymail, sau khi siêu bão Sandy càn quét qua căn cứ hải quân Earle tại New Jersey, Mỹ đã thiệt hại ước tính 50 triệu USD. Đây là nơi đặt nhiều vũ khí hiện đại của quân đội Mỹ. Để giải pháp tình trạng này tái diễn, Mỹ đã tính tới phương pháp cũ, đơn giản nhưng hiệu quả: lập các lớp bảo vệ bằng hàu.
Cụ thể, hải quân Mỹ sẽ xây dựng một đường bảo vệ dài khoảng 1.6km bao quanh căn cứ Earle, sau đó nuôi hàu trong những đường bảo vệ này để tạo thành vùng đệm nhằm bảo vệ căn cứ khỏi những con sóng mạnh do bão gây ra.
Theo Dailymail, các căn cứ quân sự khác của Mỹ cũng đang sử dụng biện pháp tương tự với sự giúp đỡ của những chú hàu như căn cứ không quân Elgin ở Florida, căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia, hay tàu bảo tàng USS Laffey ở South Carolina.
Đó chỉ là số ít trong hàng trăm địa điểm tại Mỹ và thế giới sử dụng hàu làm lá chắn bảo vệ chống bão. Một dự luật đã được đệ trình lên quốc hội Mỹ đề xuất chi 100 triệu USD cho dự án kéo dài 5 năm nhằm xây dựng các đường bảo vệ bằng hàu xung quanh các khu vực quan trọng.
Người phát ngôn của căn cứ Earle, Bill Addison, cho hay nhờ cấu trúc vững chãi mà lá chắn hàu có thể hấp thụ lực tác động từ những con sóng mạnh.
Ngoài ra, phương pháp sử dụng hàu cũng được đánh giá tác động tích cực tới môi trường. Theo nghiên cứu của nhóm dự án bảo vệ môi trường NY/NJ Baykeeper, các bức tường hàu không những giúp chất lượng nước trong khu vực tốt hơn mà còn làm nhẹ đi lực đánh sóng biển.
Các nhà môi trường cũng nhận định việc xây dựng một bức tường tự nhiên sẽ không đòi hỏi việc phải sử dụng các bức tường kim loại hoặc vách ngăn gỗ để chắn sóng làm sạt lún và xói mòn lượng cát đáy biển. Hơn nữa phương pháp này có giá thành rẻ hơn.
VietBF © Sưu Tầm