Vietbf.com - Một đầm lầy kết băng sông Shallotte ở Mỹ khiến cá sấu trồi mõm qua khe nứt hẹp nơi đầm này đã tự "hóa đá", khi bị con người giẫm lên thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho những chú cá sấu bị đóng băng vươn mõm khỏi bề mặt đầm lầy.
Mới đây, trang Facebook của một công viên đầm lầy sông Shallotte thuộc bang North Carolina đã đăng tải đoạn video về cách những con cá sấu đối phó với cái lạnh khắc nghiệt ở bờ Đông nước Mỹ.
Theo các nhà sinh vật học, dù loài bò sát máu lạnh này không thể tự sinh nhiệt nhưng chúng có thể hòa mình vào môi trường thông qua cơ chế bán ngủ đông. Cá sấu hạ thấp nhiệt độ cơ thể và điều chỉnh hệ trao đổi chất để tồn tại qua thời tiết cực đoan như những ngày vừa qua.
Dù nhiều người tỏ ra nghi ngờ rằng những sinh vật này không thể sống sót qua kì giá lạnh nhưng các chuyên gia về động vật khẳng định chúng vẫn còn sống và chưa nguy hiểm tới tính mạng.
Các chuyên gia này cho biết, cá sấu có cơ chế bản năng để biết khi nào đầm lầy sẽ đóng băng.
Khi đó, chúng sẽ vươn mõm lên khỏi mặt nước vào đúng thời điểm, chờ cho nước xung quanh đóng băng.
Trong trường hợp xấu nhất, cá sấu sẽ bị kẹt cứng sát bề mặt đầm lầy trong vài ngày. Nhưng khi băng tan, chúng sẽ lại hoạt động được như bình thường thông qua việc điều hòa thân nhiệt.
Đoạn video thu hút hơn 104.000 lượt xem vào tối ngày hôm qua (8/1). Nhiều người xem đặt ra câu hỏi liệu cá sấu có phản ứng không nếu có người giẫm lên chúng. Các chuyên gia cho rằng ít có khả năng chuyện này sẽ xảy ra, ít nhất cho tới lúc các lớp băng xung quanh các sinh vật này chưa tan.
Ảnh cắt từ clip. Nguồn: Shallotte River Swamp Park
"Không, chúng sẽ vẫn nằm im thôi. Chúng đang cố gắng giảm sử dụng năng lượng để điều hòa thân nhiệt," đại diện của công viên trả lời trên Facebook.
Sau khi suýt bị tuyệt chủng vào đầu thế kỉ 20, loài cá sấu Mỹ đã trở lại sinh sống tại vùng North Carolina. Đa số cá thể được phát hiện ở khu vực đông nam của bang này.