Tàu thăm dò Chang’e-4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống nửa tối của Mặt Trăng sẽ được lưu giữ mãi mãi trong hành trình khám phá vũ trụ của loài người, sau gần 7 thập kỷ nuôi tham vọng, khiến Trung Quốc chính thức đưa tên mình vào "bản đồ" những cường quốc vũ trụ, sánh ngang Nga, Mỹ, châu Âu, với màn "lột xác" ngoạn mục đổ bộ độc quyền lên Mặt Trăng.
Bằng sự kiện cho tàu thăm dò Chang'e-4 hạ cánh xuống nửa tối của Mặt Trăng ngày 3/1/2019, Trung Quốc dù đi sau đã trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử khám phá vũ trụ thực hiện được sứ mệnh đổ bộ xuống nửa tối bí ẩn này của Mặt Trăng.
Sau Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 đổ bộ thành công lên Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất.
Khả năng hạ cánh ở nửa tối của Mặt Trăng là một thành tựu kỹ thuật của thời đại mới theo đúng nghĩa đen của nó, một thành tựu mà cả Nga và Mỹ đều chậm chân hoặc không theo đuổi.
Tàu thăm dò mang tên Chang'e-4 (còn gọi là Hằng Nga-4 hoặc Thường Nga-4) chính là biểu tượng đột phá cho Chương trình Không gian của Trung Quốc. Thành tựu ban đầu và hứa hẹn về sau có ý nghĩa rất lớn đối với nước này trong mối quan hệ với các cường quốc vũ trụ thế giới.
Chính Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump buộc phải chú ý đến kế hoạch giành lại vị thế trên toàn cầu trong công cuộc chinh phục vũ trụ với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đồ họa của BBC cho thấy: Trung Quốc đang đổ bộ "độc quyền" trên nửa tối của Mặt Trăng.
Nếu như thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là quốc gia khởi đầu cho cuộc đua vào không gian và nước Mỹ hoàn toàn có những thành tựu nhanh chóng lấy lại thế cân bằng với đối thủ, thì ở thời đại của thế kỷ 21 này, Mỹ sao phải e dè trước một Trung Quốc "khơi mào" cho cuộc đua lên Mặt Trăng nói riêng và không gian nói chung?
Sciencealert đã đăng tải nội dung bài nghiên cứu của Wendy Whitman Cobb, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị, Đại học Cameron (Mỹ), nói về một Trung Quốc sẵn sàng cho cuộc đua vũ trụ mới.
Ngày 4/10/1957, Liên Xô mở đầu “Kỷ nguyên Không gian” (Space Age) trên thế giới bằng việc phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo Trái Đất. Sự kiện chấn động thế giới này buộc Mỹ lúc đó đang mải miết với các chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử phải nhìn nhận thêm một cuộc đua mới với Liên Xô - cuộc chạy đua vào vũ trụ.
Sự quyết tâm của Nhà Trắng và NASA bị nâng lên mức cao nhất khi người Liên Xô một lần nữa tạo được cú hích ngoài sức tưởng tượng của con người: Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phi hành gia Yuri Gagarin (1934 – 1968) trên con tàu Phương Đông 1 đã thoát khỏi lực hút của Trái Đất để sải cánh bay vòng quay Trái Đất trong sứ mệnh kéo dài 108 phút vào ngày 12/4/1961.
8 năm sau, bằng những nỗ lực phi thường của NASA cũng như những khoản đầu tư không mệt mỏi từ chính quyền Washington, người Mỹ lấy lại thế cân bằng với Liên Xô bằng sự kiện khó quên: Lần đầu tiên trên thế giới họ đưa người lên Mặt Trăng.
Khoảnh khắc phi hành gia Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng ngày 20/7/1969 cùng câu nói "Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại" mãi mãi trở thành dấu ấn không thể quên trong lịch sử loài người.
Đó là những thành tựu nổi bật của hai đối thủ trong cuộc Chiến tranh Lạnh, vậy còn các quốc gia khác trên thế giới thì sao? Còn người Trung Quốc thì sao?
Giống như Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc đánh dấu việc tham gia cuộc đua không gian bằng quá trình phát triển tên lửa đạn đạo vào những năm 1950. Điều đặc biệt là thời đó, người Trung Quốc tự bước đi bằng chính đôi chân của mình thay vì "nhờ cậy" đến Liên Xô.
Tuy nhiên, mọi sự khởi đầu không được thuận buồm xuôi gió như kế hoạch đề ra. Chiến dịch Đại nhảy vọt do Mao Trạch Đông phát động từ 1958 -1961 cùng cuộc Đại Cách mạng Văn hóa (diễn ra từ 1966-1976) đã "phá vỡ" các kế hoạch phát triển không gian của Trung Quốc.
Đến năm 1970, Trung Quốc hoàn thành và phóng đi vệ tinh nhân tạo đầu tiên của họ lên quỹ đạo Trái Đất. Vốn mong muốn tập trung thực hiện chương trình phát triển tàu vũ trụ có người lái để kịp với hai siêu cường vũ trụ là Liên Xô và Mỹ, Trung Quốc lại một lần nữa "lỡ hẹn" vì phải tập trung sản xuất các ứng dụng vệ tinh thương mại.
Năm 1978, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nêu rõ quan điểm về chính sách không gian của Trung Quốc rằng, là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc sẽ không tham gia vào một cuộc đua vũ trụ với các cường quốc khác. Thay vào đó, sẽ tập trung vào các phương tiện phóng và vệ tinh, bao gồm vệ tinh thông tin liên lạc, viễn thám và khí tượng.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc nằm ngoài những nỗ lực phát triển chương trình không gian với các cường quốc vũ trụ khác trên thế giới. Năm 1992, người Trung Quốc nhận định, xây dựng một trạm vũ trụ ngoài không gian sẽ là một "tiêu chuẩn" trong thế kỷ 21.
Do đó, chương trình tàu vũ trụ có người lái đã được tái thực hiện sau những dang dở do thời cuộc. Năm 1993, Trung Quốc thành lập Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), trực thuộc của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, với sứ mệnh thực thi các chính sách vũ trụ quốc gia và quản lý khoa học, công nghệ và công nghiệp vũ trụ quốc gia.
Bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc như "lột xác" với các chương trình không gian mang đến nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến Chương trình Thần Châu (Shenzhou) - chương trình tàu không gian có người lái.
Ngày 15/10/2003, tàu vũ trụ Thần Châu 5 đã đưa phi hành gia người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ, phi hành gia Dương Lợi Vĩ (Yang Liwei), thực hiện chuyến bay 14 vòng quanh Trái Đất. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt cho Trung Quốc, đưa nước này trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đưa người lên vũ trụ một cách độc lập.
Hình ảnh mô phỏng tàu thăm dò Chang’e 4 trên Mặt Trăng. Nguồn: Costfoto/Barcroft Images
Tính đến nay, Thần Châu đã thực hiện 6 sứ mệnh đưa người bay vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, trong đó có 2 sứ mệnh kết nối với Thiên Cung 1 - Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc năm 2011, và Thiên Cung 2 - Trạm không gian thứ 2 của Trung Quốc năm 2016.
Song song với các chương trình đưa người du hành vũ trụ, Trung Quốc rất quan tâm đến Mặt Trăng. Một loạt các chương trình thám hiểm Mặt Trăng có tên Chang'e được triển khai từ năm 2007 đến nay.
Cụ thể, 2 sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên (Chang'e-1 và Chang'e-2) mới dừng ở việc bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Ở sứ mệnh thứ ba Chang'e-3, năm 2013, Trung Quốc thành công trong việc hạ cánh một tổ hợp tàu thăm dò tự hành có tên Yutu (Thỏ Ngọc) tại nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng.
6 năm sau, ngày 3/1/2019, Trung Quốc đã đạt được thành tựu mà cả Mỹ và Liên Xô (nay là Nga) nói riêng và trên toàn thế giới nói chung chưa từng thực hiện được: Đưa tàu thăm dò Chang'e-4 đổ bộ thàng công nửa tối của Mặt Trăng. (Phân biệt nửa tối và nửa sáng của Mặt Trăng, đọc tại đây). Sự kiện này đánh dấu mốc son đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử tiến hành một cuộc thám hiểm đổ bộ ở nửa tối bí ẩn này.
Điểm đáng chú ý nhất của chương trình không gian Trung Quốc, đặc biệt là so với các chương trình đầu tiên của Mỹ và Liên Xô, là ở tốc độ chậm và ổn định - chậm nhưng chắc! Hơn nữa, các chương trình không gian của nước này được giữ bí mật gần như đến phút chót trước dư luận và công chúng thế giới. Do đó, khả năng thành-bại của mỗi sứ mệnh chỉ được biết đến vào phút chót.
Các nhà bình luận thế giới tập trung xoáy sâu vào sự kín tiếng của Trung Quốc trong sự kiện phóng Chang'e-4 cũng như việc nó hạ cánh xuống nửa tối Mặt Trăng. Toàn bộ chi tiết về sứ mệnh đổ bộ của Chang'e-4 chỉ được thông báo với báo chí khi nó đã hạ cánh thành công.
Cách thức bảo mật thông tin cho các chương trình không gian của Trung Quốc, các nhà bình luận đánh giá, là khá giống với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Tựa như Trung Quốc ẩn mình như "Tàng Long" (Hidden Dragon) để rồi phút cuối tung đòn đến đâu là chiến thắng đến đó.
Bên cạnh việc sử dụng công nghệ không gian để thực hiện các sứ mệnh phục vụ nghiên cứu khoa học và chạy đua vũ trụ, Trung Quốc còn ứng dụng vào quân sự rất hiệu quả.
Năm 2007, nước này thực hiện một cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh bằng cách phóng tên lửa mặt đất để loại bỏ một vệ tinh thời tiết đã hỏng. Thử nghiệm thành công!
Trong một bản báo cáo năm 2018 về quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chương trình không gian phục vụ quân sự của Trung Quốc "tiếp tục phát triển nhanh chóng".
Không như nhiều quốc gia khác, Mỹ dù có khả năng vẫn không tham gia vào bất cứ chương trình hợp tác đáng kể nào với Trung Quốc vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Trên thực tế, một bộ luật năm 2011 của Mỹ đã cấm liên lạc chính thức với các quan chức không gian Trung Quốc. Liệu điều này có báo hiệu một cuộc đua không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc?
Câu trả lời là 50/50. Tuy nhiên, thứ mà các nhà nghiên cứu thấy rõ nhất chính là tham vọng trở thành một cường quốc hàng đầu về thám hiểm không gian, cùng với Mỹ và Nga. Tham vọng ấy xuất phát từ những năm 50 của thế kỷ trước, rồi được nuôi dưỡng bất chấp những thách thức của thời cuộc.
Với những thành tựu đạt được ban đầu, Trung Quốc càng có thêm tự tin để biến thế kỷ 21 trở thành thời điểm để chuyển mình, để "lột xác".
Khi thế giới và nhiều cường quốc vũ trụ còn bàn tán và sửng sốt về Chang'e-4, Trung Quốc thừa thắng xông lên, bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển Chang'e-5 với sứ mệnh đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, thu thập và đưa các mẫu vật trở về Trái Đất nghiên cứu.
Đến những năm 2020, Trung Quốc ấp ủ xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và đưa người lên đó sinh sống. Chưa hết, Sao Hỏa cũng là đích ngắm của nước này. Trung Quốc mong muốn thu thập và mang các mẫu vật từ hành tinh đỏ về Trái Đất nghiên cứu.
Được biết, nước này đang bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ mới vào năm 2020 và kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động năm 2022.
Đây chỉ là những thông tin mà Trung Quốc cho phép "rò rỉ". Vậy, còn những bất ngờ nào đang được quốc gia này âm thầm thực hiện? Và NASA của Mỹ, ESA của châu Âu, hay Nga... sẽ "chuyển mình" thế nào trước một Trung Quốc đang lớn mạnh và đầy tham vọng?
Nửa tối (Far Side) - Nửa sáng (Near Side) của Mặt Trăng là gì?
Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất chúng ta. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.
Kết quả là, cả Mặt Trăng đều quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất cứ sau 28 ngày. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.
Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là Nửa tối của Mặt Trăng hoặc Mặt tối của Mặt Trăng.
Gọi là Nửa tối của Mặt Trăng là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.
Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối.