Hạ cánh trên tàu sân bay là một trong những quy trình phức tạp, nguy hiểm nhất với phi công hải quân Mỹ. Biển động mạnh cùng phản ứng sai của phi công khiến chiếc F-14A đập mạnh xuống sàn đáp và gây đám cháy lớn trên boong tàu USS Kitty Hawk.
Tiêm kích F-14A thuộc VF-51 hạ cánh trên USS Kitty Hawk năm 1981. Ảnh: US Navy.
Sàn đáp chỉ dài 150 m, trong khi tàu sân bay liên tục chuyển động khiến việc hạ cánh khó khăn hơn rất nhiều so với những đường băng cố định trên đất liền. Mọi sai lầm của phi công đều khiến họ phải trả giá đắt, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng những người trên tàu.
Một trong những sự cố như vậy xảy ra vào đêm 11/7/1994, khi tiêm kích F-14A thuộc Phi đoàn tiêm kích số 51 (VF-51) đập mạnh xuống sàn đáp của tàu sân bay USS Kitty Hawk và gãy làm đôi, gây ra đám cháy lớn trên boong tàu.
"Khi đó chúng tôi đang di chuyển trên khu vực Tây Thái Bình Dương. Đó là một đêm tồi tệ với các phi công, sàn tàu trồi sụt liên tục với chênh lệch lên tới 3 m do biển động mạnh", Rich Herbst, cựu phi công VF-51, nhớ lại.
Chiếc F-14A gặp nạn mang số hiệu 162602 với tổ bay gồm đại úy "Pig" Arnold và thiếu tá "Animal" Jennings. Phi công tiếp cận tàu sân bay và bắt đầu quy trình hạ cánh một cách bình thường.
Tuy nhiên, Arnold mắc sai lầm khi điều chỉnh lực đẩy không hợp lý và cố gắng bám theo sàn đáp trong lúc nó đang chúi xuống giữa hai cơn sóng lớn. Khi sàn tàu trồi lên theo đỉnh sóng, chiếc F-14A không đủ lực đẩy để tạo giãn cách và hủy hạ cánh, ngay cả khi phi công đã tăng ga lên tối đa.
Phần đuôi chiếc F-14A sau tai nạn đêm 11/7/1994. Ảnh: US Navy.
Thiếu tá Jennings phát hiện nguy hiểm và kích hoạt ghế phóng thoát hiểm đúng lúc chiếc máy bay nặng hơn 20 tấn đập mạnh xuống sàn đáp của USS Kitty Hawk. Cú va chạm mạnh khiến tiêm kích F-14A gãy làm hai phần.
Móc hãm ở đuôi máy bay bắt trúng một sợi cáp hãm đà, khiến toàn bộ nửa sau của chiếc F-14A được giữ lại và tạo thành đám cháy lớn ngay tại khu vực hạ cánh. Phần đầu tiêm kích trượt đi theo quán tính và rơi xuống biển.
Cả hai phi công đều bung dù thành công. Jennings đáp xuống mũi tàu và chỉ bị thương nhẹ ở chân, đủ khả năng trở lại chiến đấu chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, Arnold lại rơi thẳng xuống đám cháy do đuôi máy bay gây ra, bị bỏng nặng ở tay và cổ. Phi công này sau đó hồi phục sức khỏe nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục lái tiêm kích F-14.
"Tôi trực tiếp chứng kiến sự việc qua hệ thống hỗ trợ phi công hạ cánh (PLAT) và sẽ không bao giờ quên được âm thanh ma sát của kim loại khi chiếc F-14 trượt qua sàn đáp ngay trên đầu mình", Herbst cho biết.
VietBF © sưu tầm