Trung Quốc đâm chìm tàu, bắt ngư dân Việt Nam. Chúng liên tục phun vòi rồng xua đuổi, đâm chìm tàu, thậm chí bắt giữ ngư dân Việt Nam trái phép. Đây là hành vi ngang ngược, vô nhân đạo
Trung Quốc trao trả 8 ngư dân Quảng Ngãi bị chìm tàu ở Hoàng Sa
Vụ 8 ngư dân Quảng Ngãi đang khai thác hải sản ở Hoàng Sa – ngư trường truyền thống tự bao đời, bất thình lình bị đâm chìm tàu mới đây như gióng thêm hồi chuông tố cáo Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam trái phép suốt 15 tiếng đồng hồ là một hành động không thể chấp nhận.
Đâm chìm tàu, bắt giữ người trái phép
Ngày 3/4, ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – cho hay, 8 ngư dân địa phương lâm nạn ở Hoàng Sa đang được các tàu cá cùng quê Quảng Ngãi giúp đỡ.
Dự kiến, 8 lao động này sẽ trở về đất liền trong 10 ngày tới sau chuyến ra khơi đầy bão táp.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi từng bị tấn công ở Hoàng Sa.
Theo ông Hùng, kế hoạch khai thác hải sản nguyên hai tháng ròng rã của tàu QNg 90617 TS do ngư dân Trần Hồng Thọ (trú thôn Phú Quý, xã Bình Châu) làm chủ cùng 7 bạn thuyền bị “đứt gánh giữa đường”.
3h ngày hôm qua (2/4), khi mặt trời còn chưa ló dạng, 8 ngư dân trên tàu ông Thọ miệt mài đánh bắt ở khu vực đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Bất thình lình, tàu Trung Quốc xuất hiện đâm chìm tàu cá.
“Sau khi đâm chìm tàu cá, bọn chúng vớt 8 ngư dân và đưa vào đảo Phú Lâm. Hay tin, 3 tàu cá khác cũng quê Quảng Ngãi gồm QNg 90045 TS do ông Đặng Tằm làm chủ, QNg 90399 TS do ông Đặng Dũng làm chủ, QNg 90929 TS do ông Nguyễn Thành Linh làm chủ lao đến tìm kiếm”, ông Hùng nói và thuật lại lời kể của thuyền trưởng Linh gọi về đài icom cộng đồng xã Bình Châu, khi 3 tàu này tới vùng biển thuộc đảo Phú Lâm thì bị tàu sắt của Trung Quốc truy đuổi.
Khi đã khống chế được tàu của ông Linh và ông Dũng, những kẻ ngang ngược trên con tàu Trung Quốc hung tợn liên tục phun vòi rồng khiến tàu QNg 90045 TS do ông Tằm cầm lái dù chạy thoát nhưng cũng bị gãy cabin.
“Sau khi lai dắt 2 tàu QNg 90399 TS và QNg 90929 TS về đảo Phú Lâm, khoảng 18h, phía Trung Quốc trao trả 8 ngư dân trên tàu ông Thọ. Trước khi cho tàu ông Linh và ông Dũng đưa các ngư dân bị chìm tàu đi, bọn chúng bắt họ phải ký vào biên bản mà không rõ nội dung”, ông Hùng cho hay.
Nhắc tới hành động đâm tàu, bắt giữ ngư dân, vị Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu không kìm nổi sự phẫn uất.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, các cơ quan chức năng nên can thiệp, bảo vệ ngư dân trong quá trình ra khơi đánh bắt, đặc biệt là ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Hùng, đây là hành vi ngang ngược, vô nhân đạo và sai trái của phía Trung Quốc. Ông Hùng khẳng định, vùng biển mà 8 ngư dân trên con tàu bị đâm chìm là ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Các cơ quan chức năng nên can thiệp, bảo vệ ngư dân trong quá trình ra khơi đánh bắt, đặc biệt là ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cùng với Trường Sa, đây là ngư trường truyền thống tự bao đời của bà con Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kịch liệt lên án
Trả lời VTC News về vụ 8 ngư dân địa phương bị Trung Quốc đâm chìm tàu, bắt giữ trái phép, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi – xác nhận, trong ngày hôm nay (3/4), Hội Nghề cá tỉnh sẽ làm văn bản gửi Hội Nghề cá Việt Nam.
Theo ông Toàn, bản thân ông cũng như Hội Nghề cá tỉnh kịch liệt lên án hành vi vô nhân đạo, vi phạm chủ quyền đánh bắt của phía Trung Quốc.
Những lúc lâm nạn, ngư dân tự cứu nhau giữa biển trời Hoàng Sa.
“Hội Nghề cá tỉnh kính đề nghị Hội Nghề cá Việt Nam gửi báo cáo vụ việc mới đây để Bộ Ngoại giao can thiệp.
Yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi khi khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”, ông Toàn nói.
Đề cập tới “cần câu cơm” của ngư dân bị Trung Quốc tước đoạt, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu – Nguyễn Thanh Hùng – cho biết, vụ tàu cá của ngư dân Thọ mới đây không phải là trường hợp đầu tiên.
Theo ông Hùng, nhiều năm qua, ngư dân Bình Châu nói riêng và Quảng Ngãi nói chung rất căm phẫn trước hành động của phía Trung Quốc.
Đơn cử, cách đây đúng 1 năm, khi đang khai thác hải sản tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa), cách bờ biển Đà Nẵng chừng 198 hải lý, con tàu mang công suất 575 CV của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (SN 1975, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) cùng 4 thuyền viên bị tàu Trung Quốc lù lù áp sát.
Bị rượt đuổi và phun vòi rồng không ngớt, tàu của vị thuyền trưởng có thâm niên hơn 20 năm “chinh chiến” Hoàng Sa không may va vào bãi đá ngầm, chìm nghỉm.
Trải qua 4 tiếng đồng hồ đánh đu mạng sống với tử thần, rất may, 5 ngư dân trên tàu cá bị chìm giữa trùng khơi được một tàu bạn ở cùng địa phương ứng cứu kịp thời.
Điều đáng lên án, thời khắc các ngư dân Quảng Ngãi tự cứu nhau ở Hoàng Sa, những kẻ lạ mặt trên tàu Trung Quốc vẫn lảng vảng ở đó, giương ánh mắt nhìn trong sự vô cảm.
Ngư dân Hùng (phải) từng bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa.
Và như bao ngư dân địa phương khác từng có tàu “bỏ mạng” giữa biển trời Hoàng Sa do Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng Hùng quyết tâm bằng mọi giá đóng con tàu mới.
Để rồi hôm nay, con tàu mang công suất 900 CV trị giá 4 tỷ đồng của ngư dân Hùng đang tiếp tục hiên ngang hiện diện ở Hoàng Sa – chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Song, nỗi căm phẫn về hành động của Trung Quốc không bao giờ nguôi trong tâm trí vị thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm này.
VietBF@ sưu tầm.