Ngày 28/4, tại Quốc hội Pháp, Thủ tướng nước này đã công bố kế hoạch cho giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 11/5 tới.
Ngay sau đó, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch này. Đây là sự kiện được người dân Pháp đặc biệt quan tâm và gây ra nhiều tranh cãi từ nhiều ngày qua.
Các trung tâm thương mại tại Pháp sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11/5. Ảnh: Le Monde
Bất chấp sự phản đối của lực lượng chính trị đối lập, đúng theo kế hoạch, chiều ngày thứ Ba (28/4), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã trình bày trước Quốc hội bản kế hoạch cho quá trình dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, dự kiến kể từ ngày 11/5. Ngay trong buổi chiều, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch, với 368 phiếu thuận và 100 phiếu chống.
Kế hoạch của Chính phủ Pháp xác định việc tổ chức hoạt động của nước Pháp kể từ ngày 11/5 với nhiều nội dung cụ thể, được người dân đặc biệt quan tâm.
Theo kế hoạch này, kể từ ngày 11/5, việc giới hạn đi lại của người dân Pháp sẽ được nới lỏng. Với lộ trình di chuyển dưới 100 km tính từ nơi ở, người dân Pháp không cần phải có giấy cam kết nữa. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ được di chuyển quá 100 km tính từ nơi ở vì lý do công việc hoặc lý do gia đình cấp bách.
Kể từ ngày 11/5, việc tụ tập đông người vẫn bị hạn chế ở mức không quá 10 người. Ngay cả tại các nhà trẻ, được phép mở cửa trở lại từ ngày 11/5, cũng chỉ tổ chức theo từng nhóm tối đa 10 trẻ. Đối với các lớp học khác, việc học sinh đi học trở lại sẽ trên tinh thần tự nguyện và không có quá 15 học sinh mỗi lớp.
Thủ tướng Pháp cho biết: “Các lớp học sẽ hoạt động trở lại với các điều kiện y tế chặt chẽ, không quá 15 học sinh mỗi lớp. Việc tổ chức trường học phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ các biện pháp y tế chặt chẽ và phải bố trí nước rửa tay khô. Đội ngũ giáo viên và nhân viên nhà trường sẽ nhận được khẩu trang và phải mang khẩu trang khi không thể tuân thủ các quy định giãn cách”.
Đối với vấn đề khẩu trang, sau ngày 11/5, người dân bắt buộc phải mang khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Số người trên các phương tiện công cộng cũng được giảm nhằm đảm bảo quy định giãn cách về con người. Về vấn đề xét nghiệm, nước Pháp sẽ tăng khả năng xét nghiệm lên khoảng 700.000 mỗi tuần, đồng thời toàn bộ chi phí xét nghiệm sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả.
Đối với vấn đề hoạt động trở lại của các trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng đang được người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm, Thủ tướng Pháp cho biết: “Các trung tâm thương mại, ngoại trừ các cửa hàng cà phê và các nhà hàng, cũng sẽ được mở cửa trở lại kể từ ngày 11/5. Các khu chợ, nhìn chung được phép hoạt động, trừ khi thị trưởng hoặc cảnh sát trưởng cho rằng khu chợ đó không thể hoạt động với đủ điều kiển đảm bảo tuân thủ các quy định phòng ngừa và giãn cách về con người”.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 11/5, người lao động Pháp vẫn tiếp tục làm việc từ xa khi điều kiện cho phép. Trong khi đó, các bảo tàng lớn, các rạp chiếu phim, nhà hát, các công viên tại các vùng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, sẽ tiếp tục phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo, văn hóa xã hội, đặc biệt là các giải bóng đá chuyên nghiệp, chưa thể tổ chức trở lại sau ngày 11/5.
Nhằm tránh việc người dân Pháp buông lỏng các nỗ lực trong thời gian từ nay đến ngày 11/5, Thủ tướng Pháp cũng nêu rõ, nếu tình hình y tế nước Pháp không cho phép, việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ không diễn ra vào ngày 11/5.
Trong các ngày tiếp theo, chính phủ Pháp sẽ lần lượt trình bày kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa trước chính quyền các địa phương và các đối tác xã hội. Kế hoạch của chính phủ Pháp cũng ấn định thời điểm quan trọng khác là ngày 2/6, tức 3 tuần sau khi dỡ bỏ phong tỏa. Sau ngày 2/6, tùy vào tình hình thực tế, nước Pháp sẽ đưa ra các quyết định tiếp Theo.
VietBF © sưu tầm