Trong một tuyên bố được công bố bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, gia đình của Karm Gilespie cho biết họ “rất buồn trước tình huống này”.
Karm Gilespie, cựu diễn viên Sydney, hôm 10/6 bị tòa án Trung Quốc kết án tử hình về tội buôn lậu ma túy. Vụ án đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận hai nước và quốc tế. Gia đình ông Gilespie đã cầu xin sự riêng tư, cũng như mong muốn bạn bè của ông ngừng suy đoán về vụ án.
“Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào và yêu cầu giới truyền thông tôn trọng quyền riêng tư của chúng tôi vào thời điểm khó khăn này”, tuyên bố cho biết.
“Chúng tôi cũng yêu cầu bạn bè và người quen của Karm ngừng suy đoán về hoàn cảnh hiện tại của anh ấy, điều mà chúng tôi không tin là hỗ trợ cho vụ việc của anh ấy”.
Tòa án Trung cấp Quảng Châu trên trang web của mình sáng 10/6 tuyên bố Gilespie đã bị kết án tử hình vì buôn lậu ma túy và sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên phán quyết được đưa ra bởi tòa án Trung Quốc theo quy định của pháp luật. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Gilespie, khoảng 55 tuổi, đã bị bắt vào đêm giao thừa năm 2013 tại sân bay Bạch Vân Quảng Châu, phía tây bắc Hong Kong, với hơn 7,5 kg methamphetamine trong hành lý ký gửi. Việc ông Gilespie bị bắt không được công khai.
Ông Gilespie biến mất vào năm 2013, theo lời của những người bạn của ông đưa ra trong những ngày gần đây.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/6 nói rằng các quan chức nước này đang làm việc để giành lại quyền tự do của cựu diễn viên bị Trung Quốc giam giữ từ năm 2013 và vừa bị kết án tử hình.
Karm Gilespie, công dân Australia bị Trung Quốc kết án tử hình hôm 10/6. Ảnh: Guardian.
Nhiều người bạn của Gilespie cho rằng đây là lần đầu tiên họ biết nơi ở của ông kể từ khi họ mất liên lạc hơn 6 năm trước.
Jill Parris, người cho biết cô là bạn thời thơ ấu của Gilespie, viết trên Facebook rằng cô đã tìm kiếm ông từ năm 2013 vì trước khi ông biến mất, họ thường xuyên liên lạc với nhau.
Parris còn nói rằng Gilespie đột nhiên biến mất trong khoảng thời gian Giáng sinh năm 2013, sau khi gọi cho cô nói rằng ông đang đi công tác ở Thái Lan với người bạn gái mới.
“Tôi đã bắt anh ấy hứa sẽ liên lạc với tôi khi anh ấy đến đó và anh ấy đã hứa sẽ làm như vậy”, Parris kể lại.
Chính phủ Australia thường lặng lẽ ủng hộ phía sau các công dân gặp rắc rối pháp lý ở nước ngoài, theo Guardian.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết sự phản đối của nước này với án tử hình là nhất quán và “ai cũng nắm rõ”.
“Chúng tôi ủng hộ nhất quán việc bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới, thông qua mọi con đường ngoại giao có sẵn với chúng tôi”, bà Payne nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho ông Gilespie sự hỗ trợ lãnh sự. Ý định của chúng tôi là đồng hành với gia đình và những người thân yêu của ông ấy”.
Bản án có thể làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ ngoại giao và thương mại vốn đang không mấy thuận lợi giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất của nước này, Trung Quốc.
VietBF @ Sưu Tầm