Đúng như vậy. Trung Quốc mất đà hồi phục kinh tế vì lũ lụt lịch sử. Những con số về hoạt động sản xuất cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang vật lộn để ứng phó với những tác động của đại dịch Covid-19 và mới nhất là tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.
Một trong những đợt lũ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đang tàn phá vùng trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nước sông Trường Giang dâng cao khiến một số khu vực của thành phố Trùng Khánh bị ngập. Ảnh: AFP.Mưa lũ phá hỏng đà hồi phục
Mùa lũ năm nay trên lưu vực sông Trường Giang đã gây ra thiệt hại kinh tế vào khoảng 178,9 tỷ nhân dân tệ (25,7 tỷ USD) phá hủy nhà cửa, xưởng sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người. Lượng mưa trung bình trong tháng 6 và tháng 7 cao hơn con số của cả năm ngoái, và công tác khắc phục thiệt hại mới chỉ trong giai đoạn khởi động.
Thiên tai cũng khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp khó khăn trong việc vươn mình thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bắc Kinh đã bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ nhằm kích thích và hỗ trợ nền kinh tế sau những lệnh phong tỏa vì virus corona.
Nhưng vào lúc này, rất khó để xác định tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc, các con số chỉ về nhiều hướng khác nhau. Xe tải hạng nặng và máy xúc đang ghi nhận doanh số kỷ lục. Nhu cầu mua máy móc sản xuất đã tăng trở lại, và sự di chuyển của hàng hóa nội địa cũng hồi phục. Tuy nhiên, thời lượng hoạt động của máy móc lại giảm 3% trên cả nước, mặc dù chỉ số này vẫn đang giữ nguyên tại khu vực miền Nam đang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Sản lượng điện hàng tháng đã giảm, và lượng xi măng tồn kho cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ gia tăng chi tiêu cho các tài sản cố định, nhưng sản xuất công nghiệp và đầu tư chế tạo lại chùng xuống.
Phần lớn niềm hy vọng vào kinh tế Trung Quốc chỉ dựa vào kỳ vọng rằng chính phủ sẽ tăng chi tiêu, bơm tiền vào hoạt động sản xuất và cơ sở hạ tầng nhằm đưa mọi thứ thoát khỏi tình trạng suy thoái (tương tự với giai đoạn sau năm 2008).
Gói kích thích 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (288 tỷ USD) đã được phê duyệt, bao gồm 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ được cam kết chuyển khoản trực tiếp. Đó là khoản hỗ trợ bổ sung bên cạnh các quỹ thành lập trước đó, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu đặc biệt.
Tuy nhiên, thực tế đang trở nên khó khăn hơn. Lũ lụt không chỉ khiến giá tiêu dùng tăng vọt mà còn làm chậm khả năng xây dựng và sản xuất - bất chấp những khoản tiền được cam kết chi cho cơ sở hạ tầng, đường bộ và đường sắt.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,7% trong tháng 7, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 10/8, riêng giá thực phẩm tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thịt lợn đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2019 sau khi dịch cúm lợn khiến nguồn cung mặt hàng này bị hạn chế.
Tất cả điều này cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế hậu Covid-19 đang bị mất đà. Mặc dù Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng sớm nhất và có thể nói là cũng thoát khỏi Covid-19 sớm nhất, người tiêu dùng vẫn đang e dè trong việc mua sắm. Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đã chững lại ngay từ trước khi đại dịch bùng phát.
Ưu tiên của chính phủ là gì?
Các nhà sản xuất và công ty công nghiệp đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin, khi bảng cân đối tài chính bị hạn chế và sự hỗ trợ tài chính trực tiếp vẫn chưa diễn ra.
Và giờ thì những cơn lũ ập tới. Đây không phải là lần đầu tiên dải mây mai vũ xuất hiện, trong những năm như 1998 hay 2016, Trung Quốc cũng phải đối mặt với mưa lũ nghiêm trọng. 98.000 con hồ chứa, 110.000 trạm thủy văn và hàng trăm nghìn con đê đã được xây dựng, nhưng biến đổi khí hậu được cho là sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu về tác động của lũ lụt đối với lĩnh vực sản xuất trong vòng 7 năm từ 2003 đến 2010 cho thấy sản lượng của các công ty trung bình giảm 28,3% trong những năm xảy ra lũ lụt quy mô lớn, tương đương với thiệt hại kinh tế vào khoảng 15,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nghiên cứu cũng cho thấy có một khoảng trễ đối với tác động của mưa lũ với kinh tế. Trong vòng 2 năm sau những thảm họa thiên nhiên quy mô lớn, có thêm 2,3% sản lượng bị mất, cho thấy tác động lâu dài gián tiếp của những sự kiện như vậy.
Cuộc khủng hoảng năm 2020, được cho là nghiêm trọng hơn so với bất kỳ thảm họa thiên nhiên đơn lẻ nào mà Trung Quốc từng gặp phải, đưa Bắc Kinh vào một tình thế khó xử. Một mặt, việc bơm tiền và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu cũ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Mặt khác, chính phủ biết rằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao sẽ mang lại thành quả trong tương lai, giúp thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán hiện nay. Ưu tiên vào lúc này là gì? Tăng trưởng, nợ hay nền kinh tế tương lai? Những con số cho thấy mục tiêu vẫn chưa được Bắc Kinh xác định rõ.
Mặc dù chính phủ đang bơm tiền với tốc độ vừa phải vào nền kinh tế, việc cho vay trực tiếp từ ngân hàng lại đang bị siết chặt trong thời điểm thị trường cần tiền nhất. Tòa án Tối cao Trung Quốc mới đây đã quy định mức trần lãi suất cho vay ở mức 15,4%, giảm gần 10% so với mức trần 24% được quy định trước đó, điều này được cho là động thái bảo vệ người đi vay và tránh vỡ nợ, nhưng trên thực tế sẽ đóng cửa thị trường cho vay vừa và nhỏ, vì đơn giản là bên cho vay sẽ không còn mặn mà với mức lãi suất thấp này.
VietBF@ sưu tầm.