Tên lửa Trường Chinh 4B phóng thành công vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo hôm 7/9 nhưng tầng thứ nhất suýt trúng trường học khi rơi trở lại Trái Đất.
Tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền bắc Trung Quốc, mang theo vệ tinh viễn thám Cao Phân 11. Hình ảnh do người dân quay và chia sẻ trên mạng xã hội Weibo cho thấy tầng thứ nhất của tên lửa Trường Chinh 4B rơi xuống Trái Đất và phát nổ, tạo ra đám mây khói màu cam. Video được quay gần làng Lilong thuộc thị trấn Cao Yếu, huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây ghi hình một mảnh vỡ tên lửa rơi trong sân trường cùng với đám khói cam và tiếng nói chuyện của học sinh.
Tầng thứ nhất của tên lửa Trường Chinh 4B sử dụng hỗn hợp hydrazine và nitrogen tetroxide khá độc hại làm nhiên liệu đẩy. Tiếp xúc với một trong hai hợp chất nêu trên đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Trung Quốc có 3 bãi phóng ở sâu trong đất liền, được lựa chọn để đảm bảo an ninh trong thời Chiến tranh Lạnh. Bãi phóng mới ven biển ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, chỉ dùng để phóng tên lửa Trường Chinh 5 và 7.
Tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên hôm 7/9. Ảnh: Space.
Các vụ phóng từ Tây Xương thường kéo theo mảnh vỡ tên lửa rơi xuống những khu dân cư gần đó. Ở khu vực có nguy cơ bị đe dọa, nhà chức trách sẽ cảnh báo và sơ tán người dân trước buổi phóng.
Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển và sản xuất vệ tinh Cao Phân 11. Viện Hàn lâm Công nghệ bay vũ trụ Thượng Hải (SAST), một trong những viện chính thuộc CASC, phụ trách chế tạo tên lửa đẩy hai tầng Trường Chinh 4B tại cơ sở ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Cao Phân 11 là vệ tinh quan sát quang học có thể truyền về ảnh chụp độ phân giải cao, hiển thị các vật thể rộng chưa tới một mét. Dữ liệu do vệ tinh Cao Phân truyền về chủ yếu được sử dụng để khảo sát đất đai, quy hoạch thành phố, xác nhận quyền sở hữu đất, thiết kế mạng lưới đường xá, ước tính năng suất cây trồng, phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai. Vệ tinh Cao Phân 11 sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ sáng kiến Vành đai và Con đường và nằm trong Hệ thống Quan sát Trái Đất độ phân giải cao Trung Quốc (CHEOS).
VietBF @ Sưu tầm