Việt Nam bồi đắp, biến bãi san hô đá Tiên Nữ thành một đảo nhân tạo khá dài so với những thực thể khác họ trấn giữ tại Trường Sa.
Trang mạng của tổ chức South China Sea Probing Initiative (SCSPI) ở Bắc Kinh viết trên mạng X (Twitter) cho mọi người biết đá Tiên Nữ (tên quốc tế là Tennent Reef) bây giờ không còn là một bãi san hô cạn, mà đã được Việt Nam bồi đắp thành một đảo nhân tạo.
“Bắt đầu từ Tháng Hai 2024, Việt Nam khởi sự bồi đắp xung quanh hai tiền đồn ở phía tây của đá Tiên Nữ rồi bồi đắp mở rộng vùng đất đó nối với khu vực bồi đắp ở phía đông, chiều dài tới 3,370 mét”.
SCSPI chỉ nêu vắn tắt sự kiện và đưa hình ảnh vệ tinh để chứng minh chứ không bình luận gì. Điều này gián tiếp cho hiểu họ chỉ muốn tố cáo trước dư luận quốc tế những việc Việt Nam đang tiến hành tại quần đảo Trường Sa hiện không mấy ai quan tâm. Dư luận quốc tế chỉ thấy chú trọng đến những căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc ở khu vực.
Đảo nhân tạo Tiên Nữ vốn là bãi san hô cạn nằm xa nhất về hướng đông mà Việt Nam kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Theo Wikipedia, nó cách cụm Sinh Tồn 100 km về phía nam, cách đảo Trường Sa 162 hải lý (300 km) về phía đông, cách thực thể gần nhất mà Việt Nam quản lý là đá Núi Le 27 hải lý (50 km) về phía đông-đông bắc.
Rạn san hô đá Tiên Nữ có dạng hình tam giác với chiều dài ba cạnh khoảng 3.3 km, 5.7 km và 6.7 km. Khi thủy triều xuống còn 0.1 m thì toàn bộ vành ngoài mép san hô đều nổi cao lên khỏi mặt biển. Tổng diện tích của rạn san hô vòng này là khoảng 15.56 km² bao gồm một vụng biển rộng 5.93 km². Điểm cực Đông của đá Tiên Nữ có tọa độ địa lý là 8°52′31″B 114°41′1″Đ.
Sau khi bị Trung Quốc đánh chiếm mất đá Gạc Ma và một số thực thể khác tại quần đảo Trường Sa năm 1988, Việt Nam đã củng cố 2 tiền đồn nhỏ trên đá Tiên Nữ rồi năm 2000 thì xây dựng một hải đăng. Đến năm 2017, xây dựng thêm một “nhà văn hóa đa năng”, vẫn theo tài liệu Wikipedia.
Tháng Tư vừa qua, tổ chức AMTI ở thủ đô Washington công bố trên mạng một bản tường trình nói từ tháng 12 năm 2021, Việt Nam bắt đầu nạo vét và bồi đắp ở bờ phía đông của rạn san hô đá Tiên Nữ. Cho đến cuối năm 2023 thì đảo nhân tạo này có diện tích khoảng 25 hectare, bề dài khoảng 1 km, bề rộng 290 m. Sang Tháng Tư năm 2024, Việt Nam bắt đầu bồi đắp ở bờ phía tây của đá Tiên Nữ, gần điểm đóng quân tại đảo Tiên Nữ.
Chưa có dấu hiệu gì cho thấy các hoạt động bồi đắp và xây dựng tại đảo nhân tạo Tiên Nữ dừng lại. Khi chiều dài của phần đã bồi đắp dài tới 3,770 mét rồi bề ngang tiếp tục được mở rộng, đảo nhân tạo này sẽ có thêm một phi đạo đủ dài cho các loại máy bay quân sự hay không, hiển nhiên vẫn chỉ là một dấu hỏi.
Tuần trước, trang mạng X của SCSPI đã đưa tin Việt Nam cơi nới, bồi đắp Đá Nam (South Reef) và đảo Phan Vinh (Pearson Reef).
Đá Nam là một rạn san hô chỉ cách đảo Song Tử Tây khoảng 3 hải lý hay chừng 5.5km về hướng tây nam. Rạn san hô này nằm theo trục đông bắc-tây nam với chiều dài khoảng 2.4 km và chiều rộng khoảng 1.6 km, diện tích 2.19 km2. Theo AMTI, tính đến tháng 5 năm 2024, đảo này được bồi đắp với diện tích khoảng 21 ha. Tức là, chỉ trong 5 tháng, Việt Nam đã bồi đắp được gấp 3 lần, theo SCSPI.
Ngày 12 Tháng Mười Một, SCSPI kêu rằng “Kể từ Tháng Mười 2023, Việt Nam bắt đầu bồi đắp ở đầu phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef). Tính đến Tháng Mười 2024, diện tích bồi đắp mới đã giúp kéo dài chiều dài của đảo này tới 2,500 mét. Có vẻ một phi trường nữa sẽ được xây dựng tại đây.”
Thật ra, từ cuối tháng Mười vừa qua, tổ chức AMTI đã nêu giả thuyết Việt Nam có thể xây dựng một phi đạo trên đảo nhân tạo Đá Nam khi nó được bồi đắp xong, ngoài phi đạo đang được xây dựng trên Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef). Nhiều phần, SCSPI chỉ lập lại nghi vấn mà AMTI đã đặt ra. Không ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất phi đạo trên Bãi Thuyền Chài đã được đổ xi măng khoảng 1,050mét.