Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chống việc Việt Nam đang có các hoạt động xây dựng tại Bãi Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa.
Hãng tin Reuters ngày Thứ Tư 19 Tháng Hai thuật buổi họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Guo Jiakun (Quách Gia Khôn) nói rằng rạn san hô đó là “một phần lãnh thổ Trung Quốc”.
Ông ta nói thêm rằng Trung Quốc luôn luôn chống lại “các vụ chiếm cứ bất hợp pháp” các đảo và bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của nước họ. Sau khi bị Trung Quốc tấn công, cướp một số bãi đá ngầm ở Trường Sa như đá Gạc Ma, đá Subi, đá Chữ Thập năm 1988 và giết 64 người lính, Hà Nội vội vàng đưa thêm quân tới một số bãi đá ngầm khác, lập một loạt các tiền đồn gọi là “Nhà giàn DK” để bảo vệ, gồm cả Bãi Thuyền Chài.
Hai năm qua, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển Đông (AMTI) ở Washington, rồi tổ chức Sáng kiến Thăm Dò Chiến lược Biển Đông (SCSPI) ở Bắc Kinh công bố nhiều hình ảnh vệ tinh về các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Việt Nam ở các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn nín lặng. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng sau mấy lời báo động của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc.
Ngày Thứ Ba 18 Tháng Hai, báo South China Morning Post thuật lại cuộc nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc kêu rằng một cảng biển đang được phía Việt Nam nạo vét, xây dựng tại Bãi Thuyền Chài. Dựa trên dữ kiện vệ tinh thấy cảng biển đó đủ sâu để những tàu chiến loại lớn có thể cập bến mà Việt Nam liên tục làm suốt 3 năm qua.
Theo Bộ tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, căn cứ trên hình ảnh vệ tinh, Việt Nam đã nạo vét rạn san hô ở Bãi Thuyền Chài rộng 299 mét, sâu 11.37 mét để làm cảng biển chiến lược tại mỏm phía tây. Như khu trục hạm lớn nhất của Trung Quốc, Type 55, mớn nước chỉ có 6.6mét nên các loại tàu lớn có thể tiếp cận dễ dàng.
Tháng Mười 2024, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản Trung Quốc SCSPI ở Bắc Kinh cũng đã trưng dẫn hình ảnh vệ tinh nói Việt Nam sau khi bồi đắp nhanh chóng, đang xây dựng một phi đạo dài 3,000 mét, đủ dài cho các phi cơ quân sự lớn nhất có thể lên xuống tại Bãi Thuyền Chài. Cho đến 2024, Việt Nam đã nhanh chóng nạo vét, bồi đắp lối 1.90km2 gấp 10 lần bãi đá ngầm này so với năm 2022.
“Các dữ kiện là bằng chứng có thể kết luận rằng các dự án cải tạo của Việt Nam tại rạn san hô này đã định hình lại Bãi Thuyền Chài” mà Bắc Kinh gọi là Đá Bái Kiều.
Khi Bắc Kinh cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lên tiếng sẽ dẫn đến những hệ quả gì trong mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa hai nước cộng sản láng diềng Trung Quốc và Việt Nam? Có thể đây mới chỉ là dấu hiệu khởi đầu.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền lên đến 90% Biển Đông dựa trên những cái vạch tưởng tượng nối lại giống hình “lưỡi bò”. Đuối lý vì bị Tòa Trọng Tài quốc tế ở The Hague, Hòa Lan, bác bỏ sau vụ kiện của Phi Luận Tân năm 2016, Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam lại nói tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên chủ quyền “lịch sử” ông cố ông tổ họ để lại.
Hà Nội cũng đã rất nhiều lần tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “có các bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi”. Trung Quốc có một lực lượng hùng hậu, không kể hải quân, các tàu Hải cảnh cỡ lớn và hàng trăm tàu dân quân biển ngụy trang làm tàu đánh cá, thả neo đậu hay chạy lòng vòng tại các khu vực biển đảo tranh chấp.
Đám tàu này canh chừng và cản trở các hoạt động từ dò tim dầu khí, xây dựng của Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia. Trong khi đó thì họ đã bồi đắp, xây dựng biến 7 bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự khổng lồ, trang bị tối tân với tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông.