Siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu F-47 của Mỹ gây chấn động với thiết kế cánh phụ độc đáo, chuyển trọng tâm từ tàng hình sang tốc độ và cơ động. Liệu đây có phải là tương lai của không chiến hiện đại?

Bản vẽ phác họa máy bay F-47. Ảnh: Không quân Mỹ
Theo chuyên trang quân sự Bulgarianmilitary.co m, không quân Mỹ vừa mở ra một chương mới trong lịch sử hàng không quân sự với việc công bố máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu F-47. Trong một sự kiện tại Nhà Trắng, hình ảnh chính thức đầu tiên của siêu chiến đấu cơ này đã khơi gợi sự tò mò và tranh luận giữa các chuyên gia quốc phòng.
Thiết kế đột phá và sự thay đổi chiến lược
Điểm đáng chú ý nhất trong thiết kế F-47 chính là những cánh phụ (canard) được đặt phía trước cánh chính. Khác với các thế hệ máy bay tàng hình trước đây như F-22 Raptor hay F-35 Lightning II, F-47 dường như đang chuyển trọng tâm từ khả năng tàng hình sang hiệu suất và cơ động.
Michael Pryce, chuyên gia phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: "Điều đó có thể báo hiệu rằng họ đang ưu tiên chiến đấu tầm gần hoặc các cuộc giao tranh phức tạp trong môi trường mà khả năng tàng hình không đảm bảo được ưu thế".
Chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD), với F-47 là trọng tâm, được hình thành như một phản ứng trước năng lực hàng không ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga. Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2021 chỉ ra rằng chương trình hướng tới tầm hoạt động xa hơn, khả năng sống sót cao hơn và khả năng thích ứng với các mối đe dọa trong tương lai.
Chi phí và thách thức
Việc phát triển không phải không có trở ngại. Ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ Mỹ cho thấy chi phí của chương trình NGAD có thể vượt quá 100 tỷ USD. Việc bổ sung cánh phụ vào F-47 có thể làm tăng thêm thách thức kỹ thuật và chi phí sản xuất.
Các đối thủ cạnh tranh quốc tế như J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga cũng đã có những thiết kế tương tự. Máy bay J-20 đã sử dụng cánh tà để kết hợp khả năng tàng hình và nhanh nhẹn, trong khi Su-57 tập trung vào khả năng siêu cơ động.
Linda Harrow, Phó Chủ tịch chương trình máy bay tiên tiến của Boeing, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang chế tạo một chiếc máy bay đáp ứng nhu cầu của không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ, kết hợp khả năng tàng hình tiên tiến với hiệu suất vô song".
Các chuyên gia như Richard Aboulafia nhận định rằng Boeing có thể đang tận dụng thế mạnh của mình trong việc chế tạo máy bay chiến đấu có khả năng chịu áp lực và vẫn duy trì hiệu quả chiến đấu.
F-47 không chỉ là một máy bay mới, mà còn là một tín hiệu về sự chuyển đổi chiến lược trong tư duy không chiến của Mỹ. Liệu những cánh phụ trên có phải là chìa khóa cho ưu thế không quân trong tương lai hay chỉ là một thử nghiệm táo bạo, câu trả lời sẽ được hé lộ trong những năm tới.
VietBF@ sưu tập