Trận động đất 7,7 độ Richter tại Myanmar trưa 28/3 đã gây rung chấn tại nhiều tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, khiến cư dân không khỏi hoảng hốt khi cảm nhận rõ sự rung lắc kéo dài gần 20 giây.
Dù nhiều công trình trọng điểm tại Hà Nội, TP.HCM và vùng nguy cơ cao đã được thiết kế đạt chuẩn chống động đất, các hiện tượng như nứt tường, bong tróc vẫn có thể xảy ra khi chịu tác động từ những rung chấn mạnh.
342 căn hộ chung cư bị nứt tường
Theo một số hộ dân ở cụm chung cư Diamond Riverside (quận 8, TP.HCM), sau đợt rung lắc, trên tường chung cư xuất hiện dày đặc những vết nứt. Có vết nứt kéo dài nhiều mét, bắt gặp ở phòng khách lẫn phòng ngủ.
Báo Thanh niên dẫn lời anh Đào Kim Luân, cư dân tại tầng 15, tòa A cho biết thời điểm đó, người nhà của anh bỗng nghe tiếng vọng lớn từ phía bên ngoài.
"Kéo theo sau đó là tiếng ‘rắc rắc’ như xé toang bức tường và hình thành vết nứt, bong tróc một số mảng tường ra ngoài ngay cửa chính ngôi nhà. Thấy vậy người nhà tôi hốt hoảng lập tức chạy xuống đất", anh Luân thuật lại.
Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Ban Quản trị chung cư Diamond Riverside cho biết, chung cư xảy ra sự cố có 4 block, mỗi tòa cao 29 tầng, bàn giao năm 2020 với gần 1.700 căn hộ. Sau rung chấn, nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng nứt tường, bong tróc gạch sau dư chấn.
"Tính đến chiều 29/3, có 342/1.700 căn hộ ghi nhận hiện tượng nứt tường. Một số khu vực như hành lang, sân thượng bị bong gạch, nền nhà có dấu hiệu phồng lên. Các vết nứt xuất hiện rải rác tại cả bốn block với mức độ hư hại khác nhau", VTC News dẫn lời ông Bình.
Những khu vực nguy cơ động đất cao ở Việt Nam
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết trận động đất tại Myanmar dù ở xa nhưng có cường độ lớn nên đã gây ra dư chấn, có thể cảm nhận được tại nhiều khu vực ở Việt Nam.
Dù không nằm trong khu vực có tần suất động đất cao như Nhật Bản, Indonesia, Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ các đứt gãy kiến tạo và có nguy cơ xảy ra động đất, nhất là các khu vực dọc theo các đới đứt gãy lớn.
Trong đó, những khu vực có nguy cơ động đất cao tại Việt Nam gồm: khu vực Tây Bắc, gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thường xuyên xảy ra động đất do nằm trên đới đứt gãy sông Đà và đứt gãy Điện Biên - Lai Châu. Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận tại Điện Biên là vào năm 1935, có cường độ 6,75 độ richter.
Khu vực Bắc bộ và ven biển Bắc Trung bộ, gồm Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An nằm gần đứt gãy sông Hồng và sông Chảy. Tại khu vực này, động đất thường có cường độ 4-5,5 độ richter nhưng vẫn có thể gây rung chấn mạnh.
Khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, gồm các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên có nguy cơ động đất do tác động của các hồ chứa thủy điện lớn. Động đất kích thích xảy ra nhiều lần tại khu vực này, trong đó có trận động đất mạnh 4,7 độ richter năm 2022 tại Kon Tum.
Tại Nam bộ, dù nguy cơ thấp hơn, nhưng TP.HCM và các tỉnh Nam bộ cũng chịu ảnh hưởng từ các đới đứt gãy xa hơn, có thể gây động đất nhẹ đến trung bình (dưới 4,5 độ richter).
TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện nay một số công trình quan trọng ở Hà Nội, TP.HCM và các khu vực có nguy cơ cao đã được thiết kế theo tiêu chuẩn chống động đất. Song, người dân cũng cần được hướng dẫn biện pháp ứng phó với động đất, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao.
Đặc biệt, cần có hệ thống quan trắc động đất tại các tòa nhà cao tầng ở đô thị. Hà Nội có mật độ xây dựng rất cao, với nhiều công trình quan trọng, song vẫn chưa có hệ thống theo dõi chuyên biệt để đánh giá định lượng mức độ rung lắc trong trường hợp có động đất xảy ra.