WASHINGTON (Washington Post) - Ða số các quân nhân Mỹ phải giải phẫu mất một phần thân thể vì các vết thương nơi chiến trường vào mùa Thu năm ngoái đã bị mất hơn một phần tứ chi, theo các dữ kiện đưa ra hôm Thứ Ba trước Ủy Ban Sức Khỏe Quân Ðội (Defense Health Board), một ủy ban gồm các chuyên gia có nhiệm vụ cố vấn cho Bộ Quốc Phòng về các vấn đề y khoa.
Một binh sĩ TQLC Mỹ bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện ở tỉnh Farah, Afghanistan. (Hình: David Furst/AFP/Getty Images)
Các giới chức quân sự trước đây từng đưa ra dữ kiện cho thấy việc cắt bỏ một phần thân thể, đặc biệt là việc mất hơn một phần của tứ chi, tăng lên trong năm qua.
Dữ kiện này, được cung cấp cho ủy ban gồm 20 chuyên gia, là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự gia tăng cao nhất xảy ra vào bốn tháng cuối năm ngoái.
Hồi tháng 9, 2010, có khoảng hai phần ba trong tổng số các vụ giải phẫu ở chiến trường là cắt bỏ một phần của tứ chi (thường là cưa chân) và một phần ba khác phải cắt từ hai phần trở lên. Tỷ lệ này tăng lên thành 50-50% vào tháng 10 và tháng 11. Vào tháng 12, chỉ có một phần tư các cuộc giải phẫu liên quan đến việc cắt cụt một phần tứ chi; có tới ba phần tư liên quan đến việc mất từ hai phần tứ chi trở lên.
Lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, chiếm 20% tổng số quân Mỹ ở Iraq và Afghanistan, bị các trường hợp thương tích trầm trọng nhất. Trong số 66 trường hợp lính TQLC phải tản thương khỏi quốc gia đang tham chiến vì các vết thương trầm trọng, có một phần ba bị mất một chân hoặc tay.
Trong bảy năm đầu của chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, có khoảng 6% binh sĩ bị thương trầm trọng phải cắt bỏ một phần tứ chi.
Các vết thương liên quan đến bộ phận sinh dục và đường tiểu chiếm khoảng 11% các vết thương trong bảy tháng cuối của năm 2010, tăng 4% so với 17 tháng trước, theo dữ kiện của Bác Sĩ John B. Holcomb, chuyên về giải phẫu thương tật và là cựu đại tá Bộ Binh.
Ða số các vết thương ở chân hay bộ phận sinh dục là do đạp phải mìn tự tạo (IED), theo báo cáo này.
Các dữ kiện nêu trên do Bác Sĩ Holcomb và hai bác sĩ khác tại bệnh viện Landstuhl, Ðức, thu thập. Ðây là nơi thương binh trầm trọng được di tản đến trước khi đưa về Mỹ.
Bác Sĩ Holcomb, người từng đứng đầu viện nghiên cứu giải phẫu của Lục Quân Mỹ (U.S. Army Institute of Surgical Research) và đến làm việc tại Landstuhl hai tuần trong tháng 12, cho hay ông nghe nói đến “thỏa thuận bất thành văn giữa lính TQLC trẻ là nếu họ bị thương mất chân hay mất bộ phận sinh dục thì đừng tìm cách cầm máu mà hãy để cho chết trên chiến trường.”
Tại sao số vụ bị thương mất chân tay gia tăng quá nhiều những tháng gần đây là điều chưa được biết rõ ràng. Ðiều này cũng có thể do có thêm nhiều cuộc tuần tiễu hoặc do phiến quân chế tạo mìn để nhằm gây ra các vết thương loại này.
(V.Giang/Nguoiviet)