QUẢNG NAM (TH) - Cả làng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam theo nhau đi lùng bắt cóc để bán.

Cóc lớn, nhỏ gì cũng bị bắt. (Hình: NLÐ)
Báo Người Lao Ðông hôm Thứ Bảy cho hay: “Cả tuần qua, cứ khoảng 19 giờ là đèn pin sáng khắp xã Tam Phú, TP Tam Kỳ và xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành-Quảng Nam do mọi người rủ nhau đi bắt cóc về bán cho một phụ nữ tên Trần Thị Thêm.”
Theo bản tin ngắn của tờ NLÐ, các em nhỏ đi bắt “cậu ông trời,” mỗi đêm có thể bắt được từ 3 kg đến 5 kg cóc lớn nhỏ bán cho bà Thêm với giá 15,000 đồng đến 20,000 đồng/kg. Bà Thêm mua cóc để làm gì thì không ai biết.
Tại một số nơi ở Việt Nam vẫn còn người làm thịt cóc, chế biến thành ruốc hay làm chả để bán. Theo sự tin tưởng dân dã, ăn thịt cóc để chữa bệnh còi, bệnh suyễn.
Nhưng không mấy ai không biết con cóc rất độc. Nó chứa trong mình một chất kịch độc, có thể giết người hàng loạt dù ăn phải chỉ một tí ti mủ cóc. Ngay ở Hà Nội, xóm Thái Bình, huyện Thọ Xuân, Ðan Phượng, được mệnh danh là trung tâm phân phối, chế biến cóc lớn nhất miền Bắc.
Những thời kỳ kinh tế thê thảm, người ta bắt cóc làm thịt để có chất đạm vì không có tiền mua thịt mua cá. Ngày nay, còn có nhiều người ở thành phố ăn thịt cóc để chữa bệnh.
Theo một bài viết trên trang mạng VnMedia, người ta chỉ lấy phần thân và hai đùi sau khi đã loại bỏ hết phần đầu, nội tạng, phần chân và lột da.
Làm thịt cóc mà không kỹ, không khéo, chỉ một chút độc tố dính vào chỗ thịt của con cóc là có thể bỏ mạng. Trong con cóc có chất kịch độc tên khoa học là bufotoxin có thể làm chết người ngay lập tức. Chất độc này ở da, trứng và gan cóc.
THEO NV