Hơn 1 năm nay, "nghề manơcanh" trở thành một nghề "siêu" thú vị, thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ Hà Thành.
Đầu năm 2010, chủ của một cửa hàng thời trang trên phố Phủ Doãn (Hà Nội) vì muốn thu hút sự chú ý của khách hàng đã nghĩ ra cách tuyển các "chân dài" làm manơcanh "sống" đứng trong tủ kính. Ý tưởng này đã khiến không ít người đi đường, nhất là các du khách nước ngoài ngạc nhiên và thích thú.
Nằng nặc đòi "sờ" để kiểm tra
Khi hoàng hôn nhường chỗ cho màn đêm cũng là lúc các cửa hàng ở khu vực phố cổ Hà Nội lên đèn để bắt đầu một thời khắc kinh doanh mới. Tuy nhiên, với cửa hàng Catwalk For Ladies (140 Hàng Bông) thì việc lên đèn không chỉ đơn thuần để đón khách đến mua bán sản phẩm mà còn là để các cô gái trẻ bắt đầu đứng vào... tủ kính làm vai trò manơcanh.
Anh Đinh Viết Hải, chủ cửa hàng cho biết, vợ anh vốn là một cử nhân ngành thiết kế thời trang nên sau khi kết hôn, vợ chồng anh đã quyết định mở một cửa hàng kinh doanh thời trang, để vợ anh có cơ hội theo đến cùng niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh "nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh"... thì việc tạo nên một sự độc đáo để tăng sức cạnh tranh là không thể không nghĩ tới. Nhiều đêm dài trằn trọc, cuối cùng anh nghĩ ra cách tuyển lựa các cô gái trẻ, đa phần là các bạn sinh viên làm manơcanh đứng trong tủ kính để thu hút sự chú ý của khách hàng mỗi đêm.
Những ngày đầu, khi những cô gái trẻ trang điểm kỹ càng rồi khoác lên mình những bộ váy sặc sỡ, đẹp mắt... bước vào tủ kính đứng bên cạnh các manơcanh nhựa (gỗ) đã khiến không ít người đi đường phải tròn xoe mắt ngạc nhiên. Nhiều người thậm chí không tin đó là người thật nên cứ nằng nặc đòi được mở cửa kính ra cho họ "nhìn tận mắt, sờ tận tay". Một số người dù không có nhu cầu mua váy nhưng cũng lặn lội tìm đến, chỉ để được tận mắt ngắm các manơcanh "siêu" độc đáo hoặc chứng thực xem chuyện này có hay không. Một năm đầu thử nghiệm ở cửa hàng 15 Phủ Doãn, vợ chồng anh Hải cho các manơcanh đứng cả buổi sáng lẫn buổi tối, mỗi buổi 2 tiếng vào giờ cao điểm. Nhưng sau đó anh Hải quyết định chỉ trình diện hình thức quảng cáo này vào buổi tối vì buổi tối, so ánh sáng ngoài đường và trong cửa hàng thì trong cửa hàng sáng hơn cho nên manơcanh khi đứng bao giờ cũng tạo được sức hút hơn. Trước những hiệu quả không ngờ mà hình thức quảng cáo này mang lại, anh Hải và vợ quyết định duy trì hình thức quảng cáo này cho đến tận bây giờ.
"Một thời gian thử nghiệm, cả khu vực phố cổ này bỗng trở nên xôn xao, ầm ĩ hẳn lên. Đi đâu tôi cũng nghe người ta "buôn bán" với nhau về các manơcanh của cửa hàng tôi. Một số người nói chúng tôi bắt chước Trung Quốc nhưng sang Trung Quốc tìm thì tôi chẳng thấy cửa hàng nào có. Người Trung Quốc chỉ sử dụng người mặc đồ để bán hàng trực tiếp thôi chứ không đứng trong tủ kính với vai trò manơcanh như chúng tôi làm" - chị Hương Lý, vợ anh Hải cho hay.
Vợ chồng anh Hải thừa nhận việc tìm kiếm các "ứng viên" làm manơcanh ở thời kỳ đầu tương đối khó khăn vì đại đa số các bạn trẻ đều chưa quen với công việc này. Tuy nhiên, trong hơn một năm trở lại đây, khi biết được hình thức này thì đã có rất nhiều bạn trẻ tìm đến xin được vào làm. Một số thậm chí còn chấp nhận không thù lao, miễn được đứng trong tủ kính để trải nghiệm cảm giác làm manơcanh như thế nào. Điều kiện để được làm manơcanh của cửa hàng Catwalk For Ladies rất đơn giản, chỉ cần các bạn trẻ (có thể đang học cấp 3 hoặc sinh viên có nhu cầu làm thêm) có gương mặt ưa nhìn, nhanh nhẹn, biết ăn nói... Đặc biệt, phải có số đo ba vòng ứng với hai size S, M vì sản phẩm của cửa hàng cũng chỉ thiết kế cho hai size này. Mỗi buổi tối, manơcanh chỉ đứng 2 tiếng từ 19h đến 21h.
"Từ ngày áp dụng hình thức quảng cáo này đến giờ chúng tôi đã thay đổi rất nhiều thế hệ manơcanh để tránh sự nhàm chán cho khách hàng. Cứ 3 hoặc 4 tháng chúng tôi lại thay đổi một gương mặt mới nhưng khoảng 3, 4 tháng sau các bạn manơcanh cũ ấy lại có thể quay trở lại làm tiếp" - anh Hải tiết lộ.
Đa số các manơcanh đều có tuổi đời rất trẻ, họ rất thích công việc họ đang làm.
Tâm sự của các manơcanh "sống"
Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với vợ chồng anh Hải, trong tủ kính hai "manơcanh" Trần Thu Hương và Quách Minh Hằng cũng đang ngồi nói chuyện với nhau rất rôm rả. Trông họ khá thoải mái khi được tự do thể hiện những động tác tùy thích. Có lúc họ đứng dậy nhoẻn miệng cười, vẫy tay chào khách, có lúc họ lại cắm tai nghe nhạc, nhún nhảy theo điệu nhạc...
"Với công việc này chúng tôi được phép cử động thoải mái nên không bị mỏi hoặc gò bó. Đôi khi chính những cử động bất ngờ của chúng tôi khiến nhiều khách hàng vô cùng thích thú bởi họ không thể tin rằng một manơcanh cũng biết mỉm cười, biết nghe điện thoại" - Minh Hằng, một trong hai manơcanh cho hay.
Thu Hương - sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội kể, cách đây 6 tháng, một lần tình cờ đi qua cửa hàng thấy treo biển tuyển nhân viên bán hàng nên cô nộp hồ sơ ứng tuyển. Nhưng khi vào làm thì mới biết cửa hàng cũng đang cần người đóng giả manơcanh để đứng trong tủ kính nên cô xin được làm công việc này.
"Khi mới vào làm tôi cũng hơi ngại vì sợ người thân, bạn bè... bắt gặp dị nghị. Bố mẹ hay tin tôi đóng giả làm manơcanh có tò mò đến xem và khi thấy tôi đứng trong tủ kính như manơcanh thật họ lại cười, không nói gì. Làm quen rồi nên thấy công việc này thú vị lắm, đợt vừa rồi nghỉ 1 tháng đã thấy nhớ, thấy thiêu thiếu một cái gì đó nên xin làm lại" - Thu Hương chia sẻ.
Thu Hương xinh xắn tạo dáng và cười rất tươi với người đi đường. Ảnh: HTL
Còn Minh Hằng năm nay mới học lớp 12, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội lại cho hay, mặc dù gia đình cô tương đối khá giả nhưng vì yêu thích công việc này nên cô vẫn xin vào đây để được đóng giả làm manơcanh. Công việc hàng ngày của Minh Hằng là có mặt tại cửa hàng từ 15h chiều và bắt đầu với những công việc của một nhân viên. Đến 19h thì cô và Thu Hương sẽ tự trang điểm cho nhau rồi chọn cho mình một trang phục phù hợp để hóa thân thành manơcanh, sau đó đứng vào trong tủ kính. Trong khoảng 2 tiếng đó, Hằng và Hương không nhất thiết phải đứng duy nhất một tư thế của manơcanh mà có thể tự do thay đổi kiểu dáng, tư thế... để thu hút sự chú ý của khách đi đường. Mỗi một ngày, Thu Hương và Minh Hằng lại mặc một bộ trang phục khác nhau, đa phần là những trang phục mới được thiết kế và chỉ có một mẫu duy nhất. Thù lao cho công việc manơcanh sống là 1 triệu/tháng, cùng với tiền lương bán hàng 1,5 triệu/tháng, cả hai cô bé có thêm nguồn thu nhập tương đối để chi tiêu.
Cũng bởi ấn tượng với những manơcanh trẻ trung, xinh đẹp, bằng xương bằng thịt... nên khách hàng nào tới đây mua hàng cũng đều xin chụp ảnh kỷ niệm với các manơcanh nữ. Tuy nhiên, kỷ niệm nhớ đời nhất của Thu Hương chính là có một lần một đoàn khách Tây vào mua hàng khi nhìn thấy hai cô manơcanh xinh xắn, trong người lại có chút hơi men nên các quý ông cứ tự nhiên chạy lại đòi ôm hôn. May mà hôm đó Thu Hương đã kịp cầu cứu để chủ quán chạy dến "giải cứu"...
"Bây giờ thì chủ quán đã hạn chế những khách như thế lại gần chúng tôi nên cũng yên tâm. Họ cũng không cho chụp ảnh nhiều hoặc có những hành động trêu đùa... Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui mỗi khi nhìn thấy nhiều người đi đường dù đã đi qua nhưng vẫn quay lại chỉ để được nhìn một cái cho đã mắt rồi đi" - Thu Hương nói.
Công việc tương đối nhàn nhã lại mang đến nhiều thú vị nên hiện có rất nhiều bạn trẻ tìm đến xin được thử sức tại cửa hàng. Tuy nhiên, vợ chồng chủ quán không thể nhận tất cả vào cùng một lúc mà chỉ thu xếp cho từng người trong từng khoảng thời gian nhất định. Được biết, ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đã bắt đầu xuất hiện hình thức quảng cáo này.
Hà Tùng Long - GiaDinh