NEW YORK – Việc suy nghĩ về những ký ức cảm xúc liên quan đến những vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 đặt ra những câu hỏi về những cảm giác về sự an toàn và tự do nơi người Mỹ và những người khác.
Một loạt ảnh từ trên không do Cảnh Sát New York NYPD chụp cảnh Trung Tâm
Thương Mại Quốc Tế bị khủng bố tấn công đánh sập được công bố hồi
tháng 2-2010. Trong hình, Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế bốc cháy
sau khi máy bay đâm vào – ảnh: Det. Greg Semendinger/NYPD qua ABC News.
Có những người lập luận rằng hiện nay Hoa Kỳ được an toàn hơn so với cách đây 10 năm. Họ đan cử việc ban hành những luật lệ và thành lập những cơ quan chính phủ, nhằm mục đích bảo đảm cho sự an toàn và nền tự do như vậy. Thế nhưng, có những người cũng đan cử chính những luật lệ và cơ quan ấy, được lập ra để bảo đảm an toàn và tự do, nhưng trong thực tế lại bị sử dụng chống lại công dân Hoa Kỳ, tham gia cùng với những kẻ khủng bố để phá hoại sự an toàn và tự do như vậy. Quý vị nghĩ gì? Nước Mỹ trở thành nơi trú ẩn an toàn của quý vị hay không? Hay là quý vị cảm thấy sợ hãi và không thoải mái tại đất nước này?
* Một nước Mỹ an toàn hơn
Như nhật báo Viễn Đông đã viết hôm qua, Hoa Kỳ đã thành lập Bộ Nội An (DHS) trong năm 2002, tổ chức lại cơ cấu chính phủ, và nắm lấy quyền kiểm soát những tổ chức trước đó trực thuộc những bộ khác. Mục đích hoạt động của Bộ Nội An là ngăn chặn, chuẩn bị đáp ứng, và đối phó với những tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là khủng bố, ở bên trong nước Mỹ. Không có một định nghĩa nào có tính cách toàn cầu và ràng buộc về mặt pháp lý về nạn khủng bố. Tuy nhiên, khủng bố có thể được công nhận như là một ý định gây ra sợ hãi, nhắm vào những người thường dân, trong khi không màng đến sự an toàn của họ.
Bộ Nội An là một bộ được thành hình từ 22 cơ quan khác nhau của chính phủ, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau có chung một mối quan tâm lợi ích. Chẳng hạn, Nha Quan Thuế Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm thu thuế nhập cảng và thuế xuất cảng, trước đây trực thuộc Bộ Tài Chánh; trong khi ấy, Sở Di Trú và Nhập Tịch (INS), phụ trách vấn đề di trú và những con đường dẫn tới quyền công dân, trước đây vốn trực thuộc Bộ Tư Pháp (DOJ). Với việc thành lập DHS, cả hai cơ quan nói trên được biến thành Sở Quan Thuế Hoa Kỳ và Bảo Vệ Biên Giới (CPB), và Sở Thực Thi Công Lực Quan Thuế và Di Trú (ICE). Việc chuyển đổi như vậy tạo điều kiện dễ dàng hơn để cho hai cựu cơ quan này chia sẻ tin tức và những trách nhiệm liên quan tới khủng bố, đẩy nhanh thời gian ứng phó, nếu Hoa Kỳ bị đe dọa bởi những tình hình khẩn cấp do khủng bố gây ra.
Việc thông qua đạo luật USA PATRIOT Act, thường được gọi gọn lại là Patriot Act (Đạo Luật Người Ái Quốc), có thể được coi như là biện pháp đem lại an toàn cho các công dân Mỹ, vì đạo luật này tăng cường việc giám sát và an ninh biên giới, cũng như hạn chế bớt những trở ngại trong việc điều tra khủng bố. Chiếu theo đạo luật Patriot Act, Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ có thể trả tiền thưởng sau khi Bộ Tư Pháp quảng bá yêu cầu người ta giúp đỡ vào việc chống lại hoặc phòng ngừa khủng bố, đem lại cho người ta một sự khích lệ lớn hơn để họ cung cấp tin tức liên quan tới những mối nguy cơ khủng bố có thể xảy ra. Đạo luật này cũng gom những hành động như hủy diệt hàng loạt, ám sát và bắt cóc, chung vào những hình thức hoạt động khủng bố, dẫn tới việc tăng cường tập trung chú ý vào những hoạt động này, dưới quyền kiểm soát của Bộ Nội An. Sự tập trung như vậy cũng làm cho các công dân Mỹ cảm thấy mình được an toàn. Những người này trông đợi chính phủ đem lại một nền an ninh rộng lớn hơn cho cuộc sống của họ.
* Một nước Mỹ không an toàn
Những người chỉ trích Bộ Nội An cảm thấy rằng một sự củng cố chính quyền như thế là một sự tập trung năng lực nhằm tước đoạt tự do của họ. Chính phủ càng chia sẻ nhiều tin tức, thì dân chúng càng mất bớt quyền riêng tư.
Đặc biệt liên quan tới đạo luật Patriot Act, có những người cảm thấy rùng mình trước việc gia tăng giám sát. Những người như Dân Biểu Ron Paul của Texas, đang tranh sự đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2012, cảm thấy rằng chuyện tăng cường an ninh biên giới có thể đe dọa sự an toàn của Hoa Kỳ, nếu các công dân có chuyện cần phải đi ra khỏi nước Mỹ.
Có những người cảm thấy rằng đạo luật Patriot Act trở thành một biện pháp để chuyển sang việc ban hành những luật lệ nghiêm khắc hơn về di trú hoặc về những người có thể nhập cư, cũng giống như chuyện Đạo Luật Thượng Viện 1070 của tiểu bang Arizona trao cho các giới chức công lực quyền sử dụng trí phán đoán của họ trong việc xác định tình trạng hợp pháp của một người nào đó.
Liên Hiệp Các Quyền Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU) chỉ trích đạo luật này. Họ nói rằng Patriot Act sẽ làm gia tăng việc chận bắt người ta căn cứ vào dáng vẻ chủng tộc, thế nào cũng dẫn tới chuyện sách nhiễu các công dân Mỹ. Liên quan tới di trú, đạo luật này cho phép Bộ Trưởng Tư Pháp bắt giữ một cách vô thời hạn bất cứ người ngoại quốc nào bị nghi ngờ là đã làm một hành động có thể là khủng bố, không cho người ấy quyền được đem ra tòa xét xử. Đạo luật này có thể làm hại những công dân Mỹ ở ngoại quốc, nếu họ bị bắt giữ ở những quốc gia lấy Patriot Act của Hoa Kỳ ra làm kiểu mẫu cho chính phủ nước họ.
Ngoài những luật lệ quốc nội, có những người cảm thấy rằng cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố nói chung đều làm cho Hoa Kỳ trở nên bớt an toàn, vì những cuộc chiến tranh này có thể chọc giận phiến quân Taliban hoặc quân khủng bố al-Qaida, dẫn tới một cuộc tấn công khác có thể xảy ra mà mục tiêu chính là Hoa Kỳ.
Có một sự biện minh hay không cho tình trạng thiếu an toàn mà những người như thế cảm thấy? Liệu sự phối hợp các bộ của chính phủ, những luật lệ và những cuộc chiến tranh có bảo đảm cho sự an toàn và nền tự do hay không? - (BV)
Bạch Vân/Viễn Đông