"Lịch sử chết chóc" về một "miền đất dữ"
Thiều Tuấn (Tuấn "bi") là người am hiểu về súng nói riêng và "hàng nóng" nói chung, thừa nhận: "Cuộc đời có nhiều khúc cua và ngã rẽ, trong đó có 15 năm làm mọi nghề liên quan đến súng. Buôn, bán súng cũng là việc mà tôi đã trải qua trong cơn bĩ cực của cuộc đời. Giờ công việc của tôi không liên quan gì đến súng". "Nơi ngốn nhiều súng nhất là đất Cảng", Tuấn "bi" khẳng định với tôi như vậy và còn cung cấp thêm chi tiết khác trong "lịch sử buôn hàng nóng" của giang hồ. Theo Tuấn thì Hải Phòng cũng là nơi mà giang hồ sử dụng hàng nóng đầu tiên ở miền Bắc để thực hiện những hành vi phạm tội. Tuấn "bi" chứng minh: "Những năm đầu thế kỷ XX, những nhóm cướp ở các cửa sông, cửa biển ở Hải Phòng đã trang bị súng để làm phương tiện đi cướp và chống trả công an khi bị truy đuổi. Nhà văn Nguyên Hồng viết tác phẩm văn học "Bỉ Vỏ", lấy nguyên mẫu là tên tướng cướp ngoài đời ở mảnh đất nơi ông sinh ra, ở ngã ba, bến sông, bến phà xưa.
Lực lượng cơ quan chức năng đang khám xét hiện trường vi phạm.
Ngày đó, tên cướp của những ngày trước Cách mạng Tháng tám đã biết trang bị súng để sử dụng vào mục đích cướp tài sản của mình". Tôi chẳng tranh cãi gì với mớ "lý luận" kiểu đó của Tuấn "bi" vì cái chuyện "nhất nhì" này chẳng hay ho và cũng chẳng đáng phải quan tâm. Tuy nhiên có một điều phải thừa nhận rằng giang hồ đất Cảng là những đối tượng dùng nhiều hàng nóng để gây án, điều này cũng cho thấy sự nguy hiểm của tội phạm ở khu vực này.
Theo Tuấn "bi" giang hồ Hải Phòng được giang hồ mọi miền phong là "đệ nhất" sử dụng "hàng nóng". Mạnh "bí" tên cướp tàn bạo, khét tiếng ở dọc theo quốc lộ 5 (Từ Hà Nội đi Hải Phòng) đầu những năm 80 của thế kỷ trước đã dùng súng để bắn những ai dám chống lại hành vi cướp tài sản của y, chống trả cơ quan công an quyết liệt khi bị truy đuổi. Cùng thời điểm này, một số tên giang hồ hay nhóm cướp khác ở Hải Phòng cũng đua nhau tìm mua súng để "tiện cho chuyện làm ăn".
Thực chất là để khuyếch trương thanh thế giang hồ. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, băng tội phạm xã hội đen do Phạm Đình Nên, tức Cu Nên và băng của Ngô Thế Lâm, tức Lâm "già" cũng tự trang bị rất nhiều súng. Băng của Cu Nên và băng Lâm "già" đã có những cuộc đấu súng nảy lửa, làm "rung chuyển", đảo lộn cuộc sống của người dân lương thiện với những ám ảnh về viên đạn vô tình làm bị thương bất kỳ ai.
Kho súng của Cu Nên và Lâm "già" ngày đó khiến cho nhiều tên anh chị khác e sợ. Tuấn "bi" cho biết: Chúng dùng tiền đi cướp, tiền từ làm ăn phi pháp có được rồi đi mua súng đấy. Mà chỉ có đi cướp mới đủ tiền mua hàng nóng vì những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Nhà nước quản lý vũ khí, súng rất chặt chẽ nên rất khó mua.
Không mua được súng trong nước, chúng ra nước ngoài mua chỉ cần có nhiều tiền là có thể có mọi thứ. Súng bút dùng một lần, súng hoa cải là súng tự chế. Súng này chỉ dùng cho những bọn chẳng hiểu biết gì về súng, chỉ biết bắn và bắn. Hơn nữa nó rẻ nên nó được coi là hàng chợ. Còn những tay anh chị có số má, có "đẳng cấp" thì bao giờ cũng lận lưng ít nhất là một trong hai khẩu K54 hoặc K59. Hồi đó, ai mà lận lưng cả hai loại này thì có thể nói là thuộc dạng ông trùm rồi ". Va chạm với giang hồ nhiều, Tuấn "bi" khẳng định: ít nhất là 70% nhóm tội phạm ở đất cảng có "hàng nóng". Còn "hàng" đẳng cấp hay không thì phụ thuộc và "số má" của anh chị.
Chân dung trùm lái súng đất Cảng
Khi đường dây ma túy xuyên quốc gia của Dư Kim Dũng, tức Dũng "tình" bị triệt phá, khám nhà Dũng, cơ quan công an phát hiện, tịch thu nhiều súng, trong đó cả hàng "đẳng cấp" là K59, K54. Dũng "tình" khai mua của Nguyễn Minh C là đội trưởng đội thanh tra một Công ty bảo vệ ở Hải Phòng. C là người giỏi võ thuật nhưng trong người hắn lúc nào cũng có súng và những viên đạn rời để sẵn sàng khi có "chiến sự". C là kẻ môi giới bán súng cho Phạm Cao S và S mới là kẻ lái súng được giới giang hồ công nhận là chuyên nghiệp nhất đất Cảng.
Tuấn "bi" cho biết: Trước khi trở thành lái súng, S có một cửa hàng bán súng ở đường Quang Trung, TP Hải Phòng. S là người được học và khá hiểu biết về vũ khí quân dụng, về súng. Thời điểm đó, bán súng săn cũng phải có điều kiện. Với người bình thường, xin phép được bán là rất khó nhưng S đã làm được việc khó đó trước người.
Tại cửa hàng chuyên súng săn này, S còn bán các loại đạn súng và trang trí, "độ" súng săn rất có nghề. Nhiều tên giang hồ và lái súng nhận xét, S "độ" súng rất đẹp. Chắc chắn, nghề "độ" súng và trang trí, bán súng săn, đạn súng săn cho thu nhập thấp hơn là bán súng tự chế và các loại súng khác nên chẳng mấy chốc S đã chuyển sang buôn, trở thành lái súng. Với sự môi giới tài tình và mối quan hệ giang hồ rộng rãi, C đã là kẻ môi giới, bán được rất nhiều súng cho S. Cả S và C đều là dân giang hồ, hiểu luật chơi nên sự hợp tác này khá bền vững.
Đường dây ma quỷ này "phủ sóng" gần như tất cả các nhóm, đối tượng có nhu cầu về súng ở đất Cảng. Theo hồ sơ công an thì chính tên C đã trực tiếp bán cho Dũng "tình" khẩu 4 súng, trong đó có 2 súng ám sát và 2 súng bắn đạn hoa cải. Và tất nhiên là súng mà C bán cho Dũng "tình" là do tên S cung ứng.
Tuấn "bi" cho biết, giới giang hồ đất Cảng đặt biệt danh cho S cùng với cái nghề của hắn: S "súng". Khi bắt và khám nhà của S "súng", công an thu được 36 khẩu súng các loại, trong đó có 7 khẩu súng bút dạng ám sát, 14 khẩu súng bắn đạn ghém, đạn hoa cải, 5 khẩu súng thể thao quốc phòng, 9 khẩu súng hơi bắn đạn chì, 6 cung bắn tên gắn ống ngắm quang học, 15 đao kiếm cùng hàng trăm hộp đạn 6 ly, 20 nòng súng, 17 báng súng.
Ngoài ra, cơ quan công an còn phát hiện trong kho vũ khí của S có nhiều bình xịt hơi cay, gậy phóng điện, ống nhòm, 3 máy dập đạn (máy dập để nhồi thuốc nổ vào làm đạn ghém, đạn cho súng ám sát)... cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác. Đáng chú ý là một súng ngắn chuyên dụng, 4 viên đạn của khẩu súng này và 235 viên đạn (loại thể thao quân dụng). S khai, số "hàng nóng" đó được nhập về từ Trung Quốc, Campuchia, Lào...
Hình phạt chưa đủ răn đe?
Theo Tuấn "bi", tuy đã rút khỏi giang hồ khá lâu, không liên quan đến súng, dao, kiếm nhưng vẫn biết được nhiều thông tin. Hiện ở đất Cảng không có đường dây lái súng cỡ lớn như S và C nữa. Những giao dịch đơn lẻ về chuyện mua, bán súng vẫn diễn ra thường xuyên trong giới giang hồ. Tất nhiên, để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, chuyện mua, bán súng diễn ra bí mật bằng những ký hiệu và ở những dạng súng tự chế như súng bắn một lần, súng bắn đạn hoa cải. Những loại súng được coi là "đẳng cấp" như K59, K54 rất ít được giao dịch. Vì đó là súng chuyên dụng, súng được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Súng đó có số, ký hiệu rõ ràng. Cơ quan công an và quân đội hợp tác với nhau là có thể tra ngay được nguồn gốc của nó.
Tuấn "bi" cho rằng tình trạng mua súng dễ, tình trạng sử dụng súng loạn như bây giờ là do hình phạt của chúng ta đối với tội danh này quá nhẹ. Đơn cử, hành vi vi phạm pháp luật của lái súng chuyên nghiệp nhất đất cảng là S và C khiến dư luận bất bình. Thế nhưng, C và S chỉ nhận hình phạt rất nhẹ, dù trước đó, S phạm tội, chưa được xóa án tích còn tên C thì có nhân thân xấu. Thế mà, S bị tuyên phạt 2 năm tù còn C bị phạt 18 tháng tù. Đến nay, cả C và S đều đã mãn hạn tù nhưng chính những người đã trực tiếp bắt S và C, biết rõ về quá trình vi phạm pháp luật của S và C đều ái ngại nói rằng, có trời mà biết, lúc nào S và C tái phạm.
"Đại tá N.T.Đ, người có gần trọn sự nghiệp với công việc đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý khẳng định: Bây giờ, đường dây bán lẻ ma tuý ở một số nơi còn sử dụng, tàng trữ hàng nóng để uy hiếp con nghiện. Đường dây ma tuý trang bị vũ khí để chống trả lực lượng truy bắt có từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đại tá Đ, thì lái súng ở Việt Nam thường đơn lẻ, chưa hình thành đường dây buôn bán vũ khí như một số nước trên thế giới.