“Chính phủ chi 10 đồng, nhưng về đến tay người nhận chỉ còn 2-3 đồng thôi. Tiền hỗ trợ dân rơi rớt trên đường đi quá nhiều” - đại biểu Lê Thanh Vân bức xúc về hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chiều 31/10, các đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận, cho ý kiến về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Chính phủ đề xuất danh mục 16 chương trình trong các lĩnh vực: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường…
Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia sau 10 năm thực hiện vẫn hình thức, không hiệu quả.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy nhiều chương trình, dự án thành phần trùng lặp, trùng với chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Nguyễn Phước Lộc dẫn chứng, ở tất cả các địa phương vùng miền, xã nào cũng đề nghị xây nhà văn hóa xã nhưng lại không có thiết chế hoạt động, không có định biên nên không tổ chức được hoạt động. Nhà văn hóa xã vì vậy xây xong để… đóng băng, không phát huy tác dụng.
Ông Lộc yêu cầu, để có căn cứ chuẩn xác phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu 5 năm tới phải có báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả để trên cơ sở đó có tiêu chí phân bổ tiếp những năm tới, tăng cường thanh kiểm tra giám sát các chương trình, phát huy trách nhiệm của địa phương để các chính sách, hỗ trợ không trùng lắp.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) kiến nghị, chỉ nên để 12-13 Chương trình mục tiêu quốc gia cho một giai đoạn là vừa. Những chương trình mới đề xuất nên lồng ghép vào các chương trình đã có sẵn. Nếu không lồng ghép được, ông Thảo đề xuất giải pháp mạnh mẽ, nên chấm dứt các chương trình đã thực hiện được 5-10 năm vì khoảng thời gian đó là “giới hạn” phát huy tác dụng.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) khái quát, thực tế, nhiều chương trình đã thực hiện 10 năm, chưa được tổng kết, đánh giá và vẫn được tiếp tục trong thời gian tới.
Về hiệu quả của các chương trình, bà Nga nêu ví dụ, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, định mức ngân sách cho một phòng học 10 năm qua không thay đổi. Thời điểm hiện tại, số tiền ở nhiều nơi chỉ đủ xây móng. Có trường còn tự động thay đổi mục tiêu, không làm một phòng mà sửa lại cả không gian trường, nhưng không có vốn đối ứng, thành dở dang.
Các “biến thể” khác của hoạt động đầu tư theo những mục tiêu đặt ra trên cả nước, ở nhiều lĩnh vực được đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) tổng kết, không ít trường hợp các đơn vị đi xin, thậm chí là “chạy” dự án. Việc triển khai chậm trễ, nên có cảnh, cuối năm, để giải ngân, cơ sở dồn dập nhận được vài trăm cân tài liệu về chương trình mục tiêu quốc gia.
“Có cảm giác chương trình mục tiêu như một thứ bồi dưỡng thêm, cải thiện lương cho cán bộ”, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thêm nhận xét.
Khái quát mô hình hoạt động các chương trình đã và đang triển khai, đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) “bắt lỗi” cách làm để Trung ương rót một cục tiền, một phần giữ lại ở ban quản lý chương trình… chi cho các phần khác nhau, xuống đến dưới chỉ còn một chút.
“Chính phủ chi 10 đồng, nhưng về đến tay người nhận chỉ còn 2-3 đồng thôi. Tiền hỗ trợ dân rơi rớt trên đường đi quá nhiều”, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) than.
Đại biểu Bùi Thị An nêu yêu cầu, tất cả các bộ được giao thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cần đánh giá lại hiệu quả theo thứ tự, để từ đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đánh giá hiệu quả tổng thể trình Quốc hội.
P.Thảo
Theo DânTrí