Dù chỉ tăng 5% nhưng nhiều người dân bất ngờ và không vui khi giá điện được điều chỉnh vào thời điểm cuối năm, lúc nhu cầu tiêu dùng lên cao. Họ lo ngại giá điện ảnh hưởng đến nhiều chi phí khác như nhà trọ, ăn uống, đi lại, tiêu dùng...
Hai ngày trước, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột công bố tăng 5% giá điện. Theo đó giá bán điện trung bình là 1.304 đồng một kWh, không tăng giá đối với trường hợp sử dụng điện dưới 100 kWh mỗi tháng.
Đối với điện sinh hoạt gia đình, dùng 101-150 kWh thì giá tiền tăng từ 1.304 đồng lên 1.369 đồng. 50 kWh tiếp theo giá điều chỉnh từ 1.651 đồng lên 1.734 đồng mỗi kvWh. Giá lũy tiến cho số điện sử dụng từ 201 đến 300 kWh lên 1.877 đồng mỗi kWh so với trước là 1.788 đồng. Trường hợp sử dụng 301-400 kWh và trên 400 kvWh thì số tiền sẽ lần lượt là 2.008 và 2.060 đồng mỗi kWh.
Chiều nay Tổng công ty điện lực TP HCM cũng thông báo sẽ áp dụng giá bán điện mới từ ngày 20/12. Ngành điện cũng trấn an: "Với những hóa đơn tiền điện ra sau thời điểm này thì khách hàng vẫn không phải lo lắng. Chúng tôi có phần mềm để tính toán chính xác tiền điện trước và sau tăng giá cho khách hàng".
Tổng công ty điện lực TP HCM cũng thông báo, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thường xuyên sử dụng dưới 50kWh một tháng cần đăng ký với các công ty điện lực tại địa phương về họ tên, địa chỉ, mã khách hàng… Từ đấy làm cơ sở để chốt công tơ điện, tính theo giá phù hợp.
Trao đổi với
VnExpress.net, nhiều gia đình cho biết rất bất ngờ khi giá điện lại tăng, bởi đây là lần thứ hai điều chỉnh giá lên của ngành điện lực trong năm nay. Hồi đầu năm giá điện đã được tăng đến 15%.
"Tôi vừa đóng tiền điện cho tháng 12 hôm 20 với hơn một triệu đồng, thì ngay ngày sau đã có tin tăng giá. Như vậy tháng sau tôi sẽ phải trả thêm có thể cả trăm nghìn đồng nữa nếu tính lũy tiến", chị Phan Anh ở quận Bình Thạnh chia sẻ.
"Tôi thì choáng mặc dù tỷ lệ điều chỉnh lần này chỉ 5%, bởi tại sao lại tăng giá điện tới hai lần trong một năm, tại sao lần này ngành điện không minh bạch khi thông báo trước. Tại sao lại tăng vào cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng cũng lên cao?", anh Trần Quốc Huấn ở quận 1, TP HCM, bức xúc.
Gia đình anh Lễ ở quận 10, TP HCM, thì săm soi hóa đơn tính tiền điện tháng 12 vừa mới đóng và thử tính theo giá mới. Anh kết luận: "Tôi sẽ phải trả thêm khoảng 30.000 đồng nữa nếu với mức dùng gần 500 kWh mỗi tháng như hiện nay". Một nỗi băn khoăn nữa của anh là chỉ số điện tháng 12 đã được chốt vào giữa tháng. Mức tăng mới áp dụng cho hóa đơn tiền điện tháng 1. Như vậy những ngày trước khi tăng giá vẫn áp mức cũ, ngành điện sẽ ra hóa đơn như thế nào để không thiệt cho người dùng.
Chị Chính, ở chung cư Định Công, Hà Nội, có tổng thu nhập cả nhà trên dưới 10 triệu đồng một tháng, cũng phát hoảng khi thấy giá điện tăng. Chị bảo mấy tháng trước, tằn tiện hết sức cũng tốn gần 400.000 tiền điện mỗi tháng. Giờ sang đông rồi, ngày nào cũng phải dùng nước nóng tắm rửa cho hai con, cộng với giá điện tăng, chắc chắn gia đình phải bỏ ra thêm gần 200 nghìn nữa, bằng tiền học thêm tiếng Anh cả tháng của đứa con đầu.
Vài chục nghìn cho một hóa đơn tiền điện mỗi tháng là không nhiều nhưng đủ khiến người nghèo thêm lo. Ảnh:
Trung Hào
Các nhà trọ ở TP HCM thì đã bắt đầu "té nước theo mưa", khi lập tức thông báo tăng giá điện giá nhà. Chiều 20/12, đi làm về, vừa bước vào đến nhà, vợ chồng Cảnh, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM, đã được chủ nhà trọ thông báo kể từ tháng tới sẽ thu thêm 100.000 đồng với lý do điện tăng giá.
Bà chủ nhà giải thích số tiền tăng trên đã được tính toán ứng với điều chỉnh giá bán lẻ điện của nhà nước. Vì khu trọ dùng điện quá nhiều so với định mức nên người thuê nhà phải cùng chi trả với chủ.
"Người có điều kiện thì số tiền ấy là quá nhỏ, nhưng lương vợ chồng tôi mỗi tháng chỉ gần 3 triệu đồng, tiền thuê phòng hết một triệu đồng, giờ lại tăng thêm 100.000 cho mỗi tháng, chi tiêu sẽ càng khó khăn hơn", anh Cảnh nói.
Còn đêm qua vợ chồng anh Xuân - chị Thảo thuê nhà trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, cũng bị chủ nhà thông báo tăng giá phòng trọ tối thiểu là 120.000 đồng cho nhu cầu dùng điện tối thiểu gồm quạt máy, hai bóng điện, một nồi cơm điện và một cái bàn ủi đồ. Hai vợ chồng là công nhân ở công ty may mặc, thu nhập mỗi người một tháng chưa đến 2 triệu đồng.
Khó khăn hơn trước sự thay đổi giá điện là những người phải sử dụng trong kinh doanh nhỏ lẻ. Chị Hà, ở quận 5, sống bằng nghề làm kem, sữa chua cho biết, chị câu điện nhờ chủ nhà với mức 4.000 đồng một kWh, nay điện tăng chủ nhà đòi tăng tiền điện lên thêm mỗi kWh 500 đồng.
“Nếu tính theo mức tăng 5%, lẽ ra tôi chỉ phải đóng thêm 200 đồng cho 1 kWh điện, nhưng vì câu điện nhờ nên chủ nhà yêu cầu sao đành chấp nhận vậy. Kiểu này buôn bán hết có lãi vì các tủ kem vốn ngốn rất nhiều điện”, chị Hà than thở.
Cùng cảnh buôn bán nhỏ kiếm sống phải sử dụng điện, bà Năm nhà ở đường Học Lạc, phường 14, quận 5 cho biết, tin điện tăng giá khiến bà quyết định dẹp luôn tủ đông chứa kem và sữa chua bán cho trường học ở cạnh nhà.
“Trong một năm mà điện tăng giá đến hai lần, tôi thấy mình gồng hết thấu vì mỗi bịch sữa chua chỉ lãi được vài chục đồng”, bà Năm nói.
Ngoài hộ kinh doanh nhỏ, chủ một xưởng dệt may và nhuộm vải gia công ở quận Tân Phú phải dùng điện suốt ngày, cũng than với giá điện mới, ước tính mỗi tháng phải chi thêm ngoài triệu đồng. Chủ hàng may trên đường Cầu Xéo nói rằng, số tiền tăng thêm này thoạt nghe tưởng ít, nhưng theo đà này cả năm anh phải mất thêm hàng chục triệu đồng cho tiền điện. Trong khi đó, giá hàng xuất ra trong thế cạnh tranh khó lòng tăng giá.
Cũng như những lần tăng giá trước, các gia đình bắt đầu tính lại kế hoạch tiêu dùng điện để tiết kiệm phần nào. Nhiều gia đình đã chọn giải pháp giảm hoặc cắt sử dụng các thiết bị gia dụng ngốn nhiều điện như máy lạnh, tủ lạnh, máy hút bụi...
Tối qua, anh Thắng, công nhân Công ty nhôm Kim Hằng cho biết, từ nay phòng của vợ chồng anh sẽ dùng quạt máy thay cho máy lạnh. Riêng phòng hai con gái thì vẫn dùng, tuy nhiên chỉ bật hai giờ trước khi ngủ.
Tin điện tăng giá cũng khiến chị An ở Bình Tân quyết định không mua máy lạnh như đã dự tính. "Điện tăng giá 5% không phải là nhiều, nhưng sử dụng các thiết bị tốn nhiều điện trong lúc này đủ khiến vợ chồng viên chức như tôi phải đắn đo", chị An nói.
Vợ chồng anh Hòe ở Từ Liêm, Hà Nội, đang đi thuê nhà và nuôi một con nhỏ. "Chỉ sợ tăng giá điện thì các thứ khác như giá nhà, giá nước lại tăng theo thôi", anh Hòe nói. Anh chị cũng cân nhắc phải chuyển sang đun than tổ ong để lấy nước nóng tắm rửa, thay vì dùng bình nóng lạnh như trước.
Nhóm phóng viên VNE