- Nếu xét về các tính năng kỹ chiến thuật quan trọng nhất, máy bay chiến đấu thế hệ 5 T-50 (PAK FA) của Nga vượt trội hơn máy bay cùng loại F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.
Tuyên bố trên vừa được Tư lệnh Không quân Nga, Đại tướng Alexandr Zelin, tuyên bố trên Ria Novosti ngày 13/2.
Tướng Zelin nói: “Tiến hành so sánh phân tích các tính năng kỹ chiến thuật của máy bay tiêm kích thế hệ 5 T-50 của Nga với F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc, chúng tôi có thể kết luận T-50 vượt trội hơn.
Đó là về tốc độ tối đa, tầm bay tối đa, sức đẩy/trọng lượng và khối lượng tải thực tế tối đa”.
Tư lệnh Không quân Nga Tướng Alexandr Zelin
Theo Tướng Zelin, phiên bản T-50 của Nga tương đương với F-22 và J-20 về trọng lượng và hình dáng bên ngoài. Tuy nhiên, T-50 lại có quãng đường chạy cất cánh, hạ cánh ngắn hơn nhiều và được trang bị tốt hơn.
Theo ý tưởng của Bộ Quốc phòng Nga, T-50 cần phải khác biệt so với các máy bay thế hệ trước ở hệ thống điện tử hiện đại, chức năng bay tự động và được trang bị radar ăng-ten mảng pha.
Nga hiện đang bay thử nghiệm 3 mẫu T-50. Trong năm nay (2012), mẫu thứ 4 sẽ tiếp tục được hoàn thành.
Tiêm kích F-22 được Mỹ đưa vào biên chế từ năm 2005. Còn J-20 của Trung Quốc bắt đầu bay thử nghiệm từ tháng 1/2011.
T-50 của Nga do hãng Sukhoi đảm nhận thiết kế. Loại máy bay này kết hợp cả chức năng tiêm kích và cường kích.
Nga hiện đang tiến hành bay thử nghiệm đối với 3 mẫu T-50 khác nhau với tổng số 120 lần cất hạ cánh. Trong năm nay, Nga sẽ đưa vào thử nghiệm mẫu T-50 thứ 4.
T-50 có tốc độ tối đa 2.600km/h
Nga hiện vẫn chưa công bố tính năng kỹ chiến thuật cụ thể của T-50. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác nhau thì loại máy bay này được ứng dụng nhiều công nghệ tối tân của Nga. Nổi bật nhất là công nghệ tàng hình Plasma.
Công nghệ này giúp T-50 khác biệt so với F-22 hay J-20 khi các loại máy bay này vẫn sử dụng công nghệ tàng hình “cổ điển” như giảm diện tích phản xạ hiệu dụng, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar, giảm bức xạ nhiệt.
Hệ thống radar ăng-ten mảng pha giúp T-50 có khả năng phát hiện và bám 32 mục tiêu cùng lúc, đồng thời dẫn bắn tiêu diệt 8 mục tiêu.
Với công nghệ tàng hình Plasma, T-50 tận dụng quy trình ion hóa không khí để giảm diện tích phản xạ, đồng thời hấp thụ sóng radar.
Mỗi chiếc máy phát Plasma nặng chừng 100kg, đã chứng minh hiệu quả khi được thử nghiệm trên chiếc Su-27 và giúp giảm diện tích phản xạ hiệu dụng xuống 100 lần.
Công nghệ tàng hình này có thể giúp Nga giảm giá thành T-50 xuống chỉ còn bằng 1/3 so với F-22 của Mỹ (F-22 có giá thành khoảng 120 triệu USD/chiếc).
Đặc biệt, T-50 chỉ cần chạy cất cánh hoặc hạ cánh trên một đường băng cực ngắn từ 300-400m.
Dự kiến, sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt mua 60 chiếc T-50. Được biết, nhu cầu của Không quân Nga đối với máy bay thế hệ 5 là 120 chiếc.
Đông Triều
(Theo Rian)