Đương kim Tổng thống Pháp Sarkozy và ứng cử viên đảng Xã hội Hollande hôm qua có buổi tranh luận 3 giờ trên truyền hình, được đánh giá là gay cấn nhất trong hơn 20 năm qua.
Ông Sarkozy có những phát biểu tấn công mạnh mẽ vào đối thủ, tuy nhiên không hạ gục được người đang dẫn trước ông trong bầu cử tổng thống vòng 1. Các chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng ông Sarkozy sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Pháp không tái cử nhiệm kỳ hai trong suốt 30 năm qua.
Hai ứng cử viên tổng thống Pháp có cuộc tranh luận gay cấn trên truyền hình. Ảnh:
BBC
Hai ông Sarkozy và Hollande có những tranh luận gay gắt và liên tục công kích đối phương nhưng không có ai vượt trội hơn. Các nhà quan sát cho biết họ ngạc nhiên vì mức độ gay gắt của cuộc tranh luận, nhưng dường như ông Holland vẫn được yêu thích hơn và khó có bất ngờ lớn xảy ra trong ngày bầu cử tới,
AFP cho hay.
Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 6/5, và trong bối cảnh đối thủ cánh tả đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận suốt 6 tuần qua, ông Sakorzy không ngần ngại tấn công. Tổng thống nhiều lần gọi ông Hollande là "kẻ dối trá" và "kiêu ngạo", trong cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp với ít nhất 20 triệu cử tri theo dõi.
Ông Hollande đáp trả bằng những lời chế giễu và buộc tội ông Sarkozy đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, tự mãn trong quãng thời gian khủng hoảng kinh tế, làm cuộc sống của nhiều cử tri bị ảnh hưởng.
"Bất kể gặp phải khó khăn gì, điều gì đã xảy ra, ông vẫn luôn hài lòng", Hollande tuyên bố sau khi tranh luận về lĩnh vực kinh tế.
"Đó là lời dối trá! Đây là cuộc tranh luận, không phải nơi để đùa", ông Sarkozy đáp lại.
Ông Hollande giận dữ khi bị gọi là kẻ nói dối nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nói: "Đây rõ ràng là một điều mà tôi không thể chấp nhận được, nhưng khi nó được nói ra từ miệng ông thì lại là thường tình".
Căng thẳng lại tăng cao khi ông Hollande cáo buộc Tổng thống Sarkozy sắp đặt các vị trí cấp cao trong chính phủ, truyền thông, các ngành công nghiệp cho những đồng minh chính trị. Ông Sarkozy lại gọi Hollande là "kẻ vu khống nhỏ mọn".
"Ông Hollande, những điều ông nói chắc chắn dùng để chọc giận tôi, một 'tổng thống bình thường'. Tôi xin nói rằng các vị trí trong văn phòng tổng thống hoàn hoàn bình thường và chúng tôi là một nội các bình thường", ông Sarkozy nói.
Đương kim tổng thống Pháp cũng phủ nhận việc mình là một nhân vật gây chia rẽ mà khẳng định rằng không hề có bạo lực và không có cuộc "nội chiến" nào trong suốt 5 năm qua.
Ông Sarkozy cũng nhắc đến Dominique Strauss-Kahn, cựu giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, thành viên đảng Xã hội, dính líu đến vụ bê bối mại dâm, và ông Hollande phủi tay khi có các cáo buộc về vụ bê bối này. Ông Hollande phản đối, nhấn mạnh rằng mình không có thông tin về đời tư của thành viên cũ của đảng và rằng ông Sarkozy đang thổi phồng cuộc tranh luận. Hollande cũng chỉ trích đương kim tổng thống làm cho người giàu thì giàu hơn, người nghèo thì nghèo hơn.
Nhà phân tích Emmanuel Riviere, dẫn kết quả các cuộc thăm dò của TNS-Sofres, đánh giá cuộc tranh luận như một trận hòa nhưng điều này sẽ dẫn đến chiến thắng cho ông Hollande, chỉ cần ông này không mắc phải sai lầm nào.
"Ứng cử viên đảng Xã hội biết lợi thế đang nghiêng về phía mình nên rất thoải mái và ra một vài đòn. Ông ấy không bị mất điểm như ông Sarkozy mong đợi", Riviere nói.
"Chúng ta chưa từng chứng kiến cuộc tranh luận có chất lượng như thế này kể từ năm 1988", Gael Sliman của viện thăm dò BVA nói với
AFP. Sliman nhắc đến cuộc tranh luận giữa hai ông Francois Mitterrand và Jacques Chirac.
Trước cuộc tranh luận, các cuộc thăm dò cho thấy ông Hollande được yêu thích hơn và sẽ giành chiến thắng trong ngày 6/5 với tỷ lệ 54-46, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định những quyết định của các cử tri. Trong vòng 10 ngày sau cuộc bầu cử vòng một, ông Sarkozy nỗ lực giành phiếu từ những người ủng hộ bà Marine Le Pen của Mặt trận dân tộc và ghi được một số điểm nhờ chính sách hạn chế nhập cư.
Cả hai ứng cử viên 57 tuổi sẽ tổ chức cuộc mít tinh lớn để chính thức kết thúc chiến dịch vận động tranh cử vào đêm 4/5. Sau đó 44 triệu cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu chọn ra tổng thống trong ngày chủ nhật 6/5.
Vũ Hà - VNE