TTO - Giá vàng thế giới giảm tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần về mức 1.580 USD, trong khi đó, giá vàng niêm yết cuối tuần của các thương hiệu trong nước vẫn ở mức cao trong hai ngày liền.
|
Vàng SJC đang đắt hơn thế giới đến 2 triệu đồng - Ảnh minh họa: AFP |
Vàng SJC sáng nay (12-5) niêm yết mua vào 41,59 triệu đồng/lượng, bán ra 41,74 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng PNJ mua vào mức 41,59 triệu đồng/lượng, bán ra 41,69 triệu đồng/lượng. Vàng SBJ mua vào 41,65 triệu đồng/lượng, bán ra 41,77 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua bán các loại vàng miếng SJC, PNJ và SBJ dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, vàng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức giá 40,80 triệu đồng/lượng, bán ra 41,10 triệu đồng/lượng. Vàng AAA của Tổng công ty vàng Agribank mua vào 40,85 triệu đồng/lượng, bán ra 41,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới cuối tuần giảm thêm 13 USD xuống mức 1.580 USD/ounce. Theo Kitco, trong tuần này giá vàng thế giới đã giảm đến 3,72%. Trong khi đó, giá vàng SJC nếu so với các phiên đầu tuần gần như không thay đổi nhiều.
Do vậy, trong phiên cuối tuần, giá vàng trong nước lại gia tăng khoảng cách so với giá thế giới. Hiện đắt hơn đến 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.
Theo khảo sát chuyên gia của Kitco về xu hướng giá vàng tuần tới, đa số vẫn cho rằng giá sẽ lên. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng giá vàng vẫn tiếp tục dao động quanh mức 1.600 USD/ounce do đồng USD đang mạnh lên, sẽ thu hút nhà đầu tư vào USD hơn vàng và hàng hóa khác.
IEA nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới
Ngày 11-5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới, song cảnh báo Iran vẫn có thể gây cú sốc nguồn cung dầu mỏ bất chấp giá mặt hàng này đã giảm và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng sản lượng.
Trong báo cáo hàng tháng của mình, IEA cho rằng giá dầu mỏ giảm nhẹ trong tháng 4 do các số liệu kinh tế ảm đạm ở Mỹ và châu Âu, cũng như quan hệ giữa Iran với phương Tây có phần lắng dịu. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ trong những tháng cuối năm vẫn đầy bất trắc và các nguy cơ địa chính trị có khả năng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên cao.
Theo IEA, 4 thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới gồm châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục chi phối nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" trong năm 2012. Nhu cầu ở châu Âu rất thấp, tương xứng với tình trạng kinh tế đình trệ trong khu vực, nhưng chiều hướng giảm cầu ở Bắc Mỹ có phần nhẹ hơn. Nhu cầu ở Trung Quốc vẫn tăng song thấp hơn tỷ lệ phần trăm 2 con số hồi đầu năm 2011. IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 0,8 triệu thùng/ngày lên tới 90 triệu thùng/ngày trong năm 2012, do tiêu thụ ở các nền kinh tế mới nổi bù đắp phần giảm cầu ở những nước giàu hơn trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Về vấn đề nguồn cung, IEA cho biết các nước OPEC đã bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 4 nhằm ứng phó với bất kỳ cú sốc nguồn cung nào do những căng thẳng liên quan đến Iran gây ra. Nguồn cung toàn cầu tăng 0,6 triệu thùng ngày lên 91 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Tổ chức này kêu gọi OPEC tăng sản lượng 0,2 triệu thùng/ngày lên 30,9 triệu thùng/ngày trong quý III/2012 và 0,4 triệu thùng/ngày lên 30,7 triệu thùng/ngày trong quý IV cùng năm này. Tuy nhiên, nguồn cung từ các nước không thuộc OPEC trong tháng 3 là khan hiếm do những dấu hiệu rối loạn sản lượng ở Ôxtrâylia, Côlômbia, Braxin, Biển Bắc và châu Phi.
IEA nhận định mặc dù sản lượng dầu thô của Iran không thay đổi, đứng ở mức 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, song các biện pháp trừng phạt được áp dụng nhằm vào Têhêran trong tháng 7 báo hiệu nhiều bất trắc trong những tháng tới.
Theo IEA, việc theo dõi các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran ngày càng trở nên khó khăn sau khi có tin nói công ty vận tải dầu mỏ quốc gia của Iran đã ra lệnh cho các tàu của mình tắt đèn báo hiệu.
H.NHỰT - TTXVN