Hai quan chức cấp cao của Washington được cho là đáp máy bay đến Bình Nhưỡng 6 ngày trước khi Triều Tiên phóng tên lửa hôm 13/4.
Hai quan chức cấp cao của Washington được cho là đáp máy bay đến Bình Nhưỡng trong một nhiệm vụ bí mật, ở thời điểm chỉ 6 ngày trước khi Triều Tiên phóng tên lửa hôm 13/4.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa Ngân Hà-3 sau khi được phóng lên không trung. Đồ họa: AGI
"Vào khoảng 7h40 sáng ngày 7/4, một chiếc Boeing 737 của không quân Mỹ đã tới Triều Tiên", báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin ngoại giao ở Seoul cho hay.
Theo nguồn tin trên, chiếc phi cơ của Mỹ bay từ Guam (một hòn đảo thuộc lãnh thổ Mỹ tại tây Thái Bình dương) rồi vào Triều Tiên theo hành trình trên Biển Tây (tên gọi khác của Hoàng Hải), tức là giống với hành trình mà cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung sử dụng để tới Triều Tiên hồi năm 2000.
Các chuyên gia cho rằng chiếc máy bay mang theo Joseph Di Trani, một nhà đàm phán hạt nhân dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Sydney Seiler, một cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền đương kim Tổng thống Barack Obama.
Ông Di Trani đồng thời là người tổ chức để cựu tổng thống Bill Clinton tới Bình Nhưỡng vào tháng 8/2009, nhằm dàn xếp việc phóng thích hai nhà báo nữ người Mỹ.
Các quan chức chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Chuyến thăm bí mật này dường như là một nỗ lực cuối cùng của Washington nhằm ngăn việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3).
Tuy nhiên, vào ngày 13/4, Triều Tiên vẫn thực hiện vụ phóng tên lửa để đưa vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo.
Tên lửa Ngân Hà-3 nổ tung sau vài chục giây được phóng lên, khiến vệ tinh Quang Minh Tinh-3 không thể vào được quỹ đạo như dự kiến.
Mỹ và nhiều nước cho rằng vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên thực chất là một cuộc thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ điều này và tuyên bố việc phóng vệ tinh là để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, dự báo thời tiết.
Theo VnExpress