Troeshina là chợ bán sỉ và lẻ lớn nhất ở Kiev, cũng là nơi tập trung đông nhất tiểu thương Việt Nam đang buôn bán.
Theo ông Hoàng, phó giám đốc chợ, tổng số người Việt đang buôn bán ở đây là hơn 400 người, đến từ nhiều nơi ở Việt Nam và hầu hết ở đây khá lâu.
Do công việc làm ăn không còn tốt như trước, số người về nước trong những năm qua khá nhiều. Tuy nhiên, kiều bào ta ở Kiev vẫn rất đoàn kết, lá lành đùm lá rách, cưu mang tương trợ nhau.
Ở chợ Troeshina, quán của chị Hạnh, anh Kha được coi là một trong những nơi mà người Việt thường xuyên tụ tập. Ở đó, anh chị bán đồ ăn, từ phở, bún, miến, cà phê cho đến bánh kẹo và nước ngọt. Đấy không chỉ là nơi mà kiều bào đến ăn uống và giải khát, mà còn là nơi để họ gặp gỡ, trao đổi lúc nghỉ ngơi và tranh thủ cập nhật tin tức ở nước nhà.
Con đường nhỏ giữa những quầy hàng dẫn đến quán ăn của anh chị Hạnh Kha.
Ông chủ Kha đón chào các thực khách bằng nụ cười tươi tỉnh. Anh Kha đã cùng vợ sang đây nhiều năm về trước. Anh từng là đầu bếp của một khách sạn lớn ở Hà Nội.
Hôm chúng tôi qua đây, trời mưa tầm tã và nhiệt độ tụt xuống thấp nhưng quán của anh chị Hạnh Kha vẫn đông khách và vô cùng ấm cúng. Ở đó, chúng tôi ăn những bát phở và bún riêu đầu tiên kể từ ngày xa nhà.
Bà chủ Hạnh tất tả làm đồ ăn trong quầy. Chị Hạnh sang Kiev được 17 năm.
Quán nhỏ, bếp cũng nhỏ nhưng rất ấm cúng.
Chị Hạnh đang làm bún riêu.
Quán nhỏ và chật, lại dột, nên cơn mưa ào xối xả tràn xuống cả sàn nhà, qua lỗ thủng trên mái.
Phở và bún riêu đã xong, anh Kha mang đồ ăn cho thực khách. Niềm vui của khách chính là hạnh phúc của anh chị. Họ rất vui khi biết có những người khách đến từ Việt Nam quê nhà muốn ăn bún và phở của mình.
Bát bún riêu cua của "nhà hàng Hạnh Kha" mà chị Hạnh khẳng định là tuyệt ngon, vì gạch cua được lấy từ cua nhập ở bán đảo Crimea, miền Nam Ukraine. Quẩy thì do chị Hạnh tự làm lấy.
Bát phở của tôi, vừa ăn vừa đánh bài để gửi về tòa soạn ngay từ quán ăn.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi, quán vẫn dột, nhưng mọi người ai cũng vui.
Theo Thể Thao & Văn Hóa Online