Mặc dù lĩnh vực Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng phụ trách đang có nhiều vấn đề được dư luận quan tâm nhưng ông Thăng không có tên trong danh sách thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.
Vẫn có trách nhiệm giải trình
Sáng 11.6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải về việc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng không đăng đàn kỳ này: Đúng là có rất nhiều ý kiến đề nghị Bộ trưởng Thăng trả lời, nhưng xem xét trong quá trình vừa qua, tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng đã có báo cáo, trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (trái) không phải trả lời chất vấn
Ngoài ra, mới đây, Bộ trưởng Thăng cũng đã có buổi giải trình về vấn đề xử phạt hành chính trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Thêm nữa, vài ngày trước, Bộ trưởng cũng có văn bản trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan tới việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, đề án tái cơ cấu lại Bộ GTVT...
Chính vì lẽ đó, ông Thăng không có tên trong danh sách thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn dù lĩnh vực ông đang phụ trách đang có rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. "Tuy nhiên, nếu trong phiên chất vấn các bộ trưởng khác mà ĐBQH nào hỏi vấn đề liên quan tới Vinalines thì Bộ trưởng Thăng cũng sẽ phải có trách nhiệm giải trình"- ông Phúc khẳng định.
4 bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, từ danh sách dự kiến 7 vị bộ trưởng, trưởng ngành nhận được nhiều phiếu chất vấn nhất của các cử tri, ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định sẽ chọn 4 vị bộ trưởng để đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH cuối tuần này. Đó là 4 bộ trưởng các bộ: Công Thương, Công an, Kế hoạch - Đầu tư và Tài nguyên - Môi trường. Cuối cùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ chốt lại các phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang sẽ lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
4 bộ trưởng này sẽ trả lời chất vấn các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách đang hết sức nóng bỏng hiện nay. Cụ thể, đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhóm vấn đề sẽ được tập trung chất vấn là việc quản lý, phân bổ đầu tư công, làm rõ thêm sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn mục tiêu quốc gia 2012...
Với Bộ Tài nguyên - Môi trường, các ĐBQH yêu cầu giải trình những vấn đề liên quan quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, một số vụ việc bức xúc về cưỡng chế đất đai xảy ra thời gian qua như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), vấn đề môi trường làng nghề, thủy điện; Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ phải làm rõ thêm tình trạng các doanh nghiệp khó khăn và những giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp vượt khủng hoảng. Với Bộ trưởng Bộ Công an - người lần đầu tiên phải đăng đàn - các ĐB sẽ tập trung hỏi về nguyên nhân tình hình tội phạm gia tăng, trong đó đáng chú ý là tội phạm vị thành niên...
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng trao đổi thêm: Trong quá trình 4 vị bộ trưởng trực tiếp trả lời, đoàn chủ tịch cũng sẽ mời thêm 7 vị bộ trưởng, trưởng ngành và phó thủ tướng phụ trách báo cáo bổ sung cho các nội dung chất vấn liên quan tới lĩnh vực của mình như các bộ: Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Y tế, NNPTNT...
Về những đổi mới tại những phiên chất vấn lần này, Chủ nhiệm Phúc thông tin: Thời gian đặt câu hỏi của mỗi vị ĐBQH sẽ được giới hạn trong 2 phút, thay vì 3 phút như trước đây. Các nhóm vấn đề mà ĐB định chất vấn sẽ được gom vào để tránh dàn trải, tập trung đúng người, đúng việc. "Như vậy sẽ tiện cho việc ra Nghị quyết theo từng nhóm vấn đề chung được chất vấn" - ông Phúc nhấn mạnh.
Hải Phong - DânViệt