Giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình Mỹ chỉ đạt 77.300 USD trong năm 2010, giảm mạnh so với mức 126.400 của năm 2007. 75% nguyên nhân là do giá nhà lao dốc.
Hôm qua (11/6), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố khảo sát tài chính tiêu dùng được thực hiện 3 năm một lần về thu nhập của người dân nước này. Đây là một trong những khảo sát cung cấp thông tin trên qui mô rộng lớn nhất và chuyên sâu nhất về sức khỏe tài chính của các hộ gia đình Mỹ.
Theo báo cáo, giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình Mỹ chỉ đạt 77.300 USD trong năm 2010, giảm mạnh so với mức 126.400 của năm 2007 và chỉ tương đương với thời kỳ đầu những năm 1990. 75% nguyên nhân là do giá nhà lao dốc.
Thu nhập của các hộ gia đình cũng tiếp tục sụt giảm và ngày càng tăng tốc, giảm từ 49.600 năm 2007 xuống chỉ còn 45.800 năm 2010. Tất cả các con số đã được điều chỉnh theo lạm phát.
Mặc dù số liệu có độ trễ tới 18 tháng, khảo sát này phản ánh nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phục hồi yếu ớt. Fed cũng chỉ ra rằng các hộ gia đình có thu nhập trung bình là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong suốt khủng hoảng do phần lớn tài sản của họ là bất động sản. Đồng thời, nếu xét đến những khoản mất mát này thì chi tiêu tiêu dùng thậm chí còn đứng vững một cách đáng ngạc nhiên.
Người Mỹ đang có xu hướng tiết kiệm ít hơn trong khi trả các khoản nợ chậm hơn. Hơn nữa, các hộ gia đình thực hiện tiết kiệm cho biết họ coi tiết kiệm là một biện pháp đảm bảo có đủ thanh khoản cho các nhu cầu trong ngắn hạn. Rất ít người cho rằng họ để dành tiền cho thời gian nghỉ hưu, đầu tư cho giáo dục hay trả một phần tiền mua nhà.
Báo cáo cũng nhấn mạnh các hộ gia đình có rất ít tiến triển trong việc chi trả các khoản nợ. Số hộ đã giảm bớt được các khoản nợ giảm 2,1 điểm phần trăm trong 3 năm qua. Tuy nhiên, vẫn có 74,9% số hộ gia đình chưa trả hết các khoản đi vay và số tiền vay trung bình cũng không thay đổi.
Bên cạnh đó, các loại nợ mà hộ gia đình nắm giữ cũng có sự chuyển hướng. Các hộ gia đình đã giảm số lượng thẻ tín dụng nắm giữ. Có tới 32% hộ gia đình cho biết họ không còn dùng thẻ tín dụng, tăng mạnh so với tỷ lệ 27% của năm 2007.
Ở chiều ngược lại, các khoản nợ liên quan đến giáo dục lại tăng từ 15,2% năm 2007 lên 19,2% năm 2010. Lần đầu tiên trong lịch sử, các khoản nợ liên quan đến giáo dục vượt quá các khoản nợ mua xe hơi.
Minh Anh
Theo TTVN/NYT