- Không cãi vã, không nói xấu nhau, ngược lại khi kể về người vợ cả, "bà hai" còn dành tặng cho chị những lời tốt đẹp. Hằng ngày, cả hai bà đều chung tay chăm sóc người chồng đau yếu... Câu chuyện gia đình họ khiến nhiều người không khỏi thấy lạ lùng.
Được vợ cả cưới về sinh con cho chồng
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Kim và bà Bùi Thị Thành (Từ Liêm, Hà Nội) tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ông Kim đứng tuổi hơn nhiều so với vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn của vợ. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Kim cười: "Tôi hơn bà ấy tận 16 tuổi". Và khi câu chuyện trở nên thân mật, tôi ngạc nhiên hơn nữa khi bất ngờ bà Thành bật mí: "Tôi không phải vợ chính thức của ông ấy, bà cả ở nhà khác cơ".
Năm bà Thành 24 tuổi, lứa tuổi bị liệt vào "quá lứa nhỡ thì" ở quê thì có một người phụ nữ đến hỏi bà có đồng ý về làm lẽ không. Nghĩ đến hoàn cảnh mình có nhiều hạn chế, có lẽ chẳng thể lấy được chồng, bà gật đầu đồng ý. "Ngày đầu tiên khi tôi vừa bước chân vào nhà, chị ấy đã nhường tôi ở nhà trên, tự động xuống gian dưới ở. Tôi làm lẽ nhưng lại thành chính thất từ đó, mọi công to việc lớn cũng chuyển sang tôi lo liệu", bà Thành kể.
Nhưng không phải bỗng dưng mà có sự "nhường ngôi" dễ dàng đó. Đó là vì người vừa được cưới về mang theo kỳ vọng sinh được mụn con cho ông Kim, điều mà người vợ cả suốt 20 sống với chồng không làm được. May mắn, bà Thành trong 2 năm sinh liền hai đứa con trai. Điều đặc biệt là người vợ cả không hề ghen tức, mà yêu thương, chăm sóc con của bà hai y như con ruột của mình.
Ông Kim, bà Thành.
Cùng chia sẻ trách nhiệm làm vợ
Bà Thành bảo, sau này, bà cả dọn riêng ra một nhà khác, nói thế nào cũng không chịu ở cùng. Được cái sáng nào bà cũng sang "nhà chồng" trò chuyện với ông Kim, làm giúp các con, cháu việc nhà. Hôm nào chưa thấy sang là bà Thành lại ở bên này gọi với sang: "Bà nội ơi, sang giúp tôi cái nào" là bà cả lại sang liền.
Tôi hỏi, vậy bà không ghen sao, bà Thành cười: "Chẳng còn hơi sức đâu mà ghen nữa. Tôi vất vả lắm, gần 60, lứa tuổi mà đa phần người ta an nhàn rồi thì tôi vẫn chưa được nghỉ ngơi, sáng nào cũng dậy từ 4h, lên tận phố Bà Triệu bán gạo, tối mịt mới về". Cái sự vất vả này buộc lấy bà từ khi bà về làm vợ ông Kim, nhưng gánh nặng ấy mỗi lúc một trĩu xuống kể từ khi ông bị tai biến, rồi mắc bệnh tiểu đường không làm gì được.
"Ông ấy trước làm ở hợp tác xã, sau hợp tác xã giải thể, ông ấy cũng về luôn. Không lương, không chế độ, ông ấy ở nhà trông con, một mình tôi buôn bán bươn chải cáng đáng cả nhà. Tôi nhớ mãi một trưa nhà hết gạo, tôi xoay xỏa được một dúm mang về, đã thấy 3 bố con ra tận ngoài ngõ ngóng mẹ từ bao giờ", bà Thành bùi ngùi.
Cái đói nghèo về vật chất khiến bà Thành và bà cả đôi lúc có lời qua tiếng lại. Nhưng tịnh không một lần nào xích mích vì chuyện tranh chấp tình cảm với chồng. Sau lần ông bị tai biến, một tay run rẩy, bệnh tiểu đường hành hạ khiến ông liên tục phải đi viện, hai bà không phân chia mà tự hiểu rõ trách nhiệm của mình. Ngày ngày, khi bà Thành vắng nhà bươn chải kiếm tiền thuốc thang cho ông thì luôn yên tâm có bà cả ở nhà săn sóc, đỡ đần chồng.
Nhìn nét mặt viên mãn, hạnh phúc của ông Kim khi nghe "bà hai" kể chuyện, tôi hỏi ông có biết việc cưới hai vợ là vi phạm pháp luật không, ông trầm ngâm: "Tôi không thể bỏ bà cả, nó trái với lương tâm tôi. Còn chuyện cưới vợ hai là do ý bà cả. Cái thời của chúng tôi lạc hậu, cũng may tôi được cả hai bà đều biết sống".
Mai Loan