Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định đồng ý cho phép chủ đầu tư điều chỉnh phương án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Theo đó, tỉnh cho phép tăng số lượng mũi khoan thăm dò, không hạn chế về độ sâu…
Cho phép khoan 20 điểm
Trước đó, tỉnh Bình Thuận chỉ cho phép chủ dự án được khoan thăm dò trong năm điểm (mỗi vị trí khoan sâu tối đa 35 m), theo tọa độ đã được xác định. Khu vực khoan thăm dò nằm từ đỉnh núi trở về triền phía đông núi Tàu, kích cỡ mũi khoan là Ø 150.
Theo phương án mới, tỉnh cho phép những người săn kho báu thay đổi kích cỡ mũi khoan từ Ø150 xuống Ø100, tăng số điểm khoan lên 20 mũi và không hạn chế độ sâu. Quyết định này không cho phép mở rộng diện tích thăm dò và đánh mìn trong suốt quá trình thực hiện phương án. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu ông Hoàng Văn Sáu (người được ông Trần Văn Tiệp ủy quyền điều hành, quyết định toàn bộ những vấn đề liên quan đến phương án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu) chấm dứt ngay việc thực hiện những nội dung không có trong phương án thăm dò đã được phê duyệt.
Một điểm thăm dò cửa hang kho báu ở núi Tàu. Ảnh: PN
Trong lần điều chỉnh phương án này, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép kéo dài thời gian thăm dò đến ngày 10/10/2012 (trước đó, tỉnh chỉ cho phép khoan thăm dò trong vòng 270 ngày và phải chấm dứt ngay sau ngày 1/7). UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ dự án phải khẩn trương thực hiện khoan thăm dò trong phạm vi diện tích 2.400 m2 cho phép để kịp tiến độ và kết thúc việc thăm dò đúng với thời gian gia hạn trên.
Chưa thấy gì ngoài chuyện gãy mũi khoan
Được biết với năm điểm khoan mà tỉnh cho phép, đến nay phía ông Trần Văn Tiệp, người xây dựng và thực hiện phương án thăm dò kho báu núi Tàu đã khoan được bốn điểm nhưng vẫn chưa phát hiện kho báu.
Đây là lần thứ ba kể từ năm 1993 ông Tiệp được tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò, khai thác kho báu núi Tàu. Hai lần trước, ông Tiệp đã bỏ ra hàng ngàn cây vàng thuê người đào nát núi Tàu nhưng kho báu vẫn vô vọng. Năm 2009, ông tiếp tục xin thăm dò và “công trường” thăm dò và khai thác núi Tàu được tiến hành từ tháng 2/2012 đến nay.
Trước đó, ông đã thuê Công ty Cổ phần Thiết bị Địa Vật lý phân tích số liệu đo địa vật lý. Kết quả cho thấy theo hướng Bắc-Nam có một dãy dị thường hẹp (bề ngang khoảng 10 m, dài khoảng 200 m và sâu 50 m). Thế nhưng mới đây kết quả thăm dò của Công ty Cổ phần Nghiên cứu môi trường - tia đất bảo vệ sức khỏe (Cầu Giấy, Hà Nội) thì “dãy dị thường hẹp” này chỉ rộng chừng 3 m, dài khoảng 36 m và chiều sâu 8-15 m, trong đó có chứa “khoáng sản có ích” và “nguồn gốc của thân quặng do nhân tạo”.
Cùng với việc cho phép thăm dò, tỉnh Bình Thuận cũng thành lập một tổ giám sát gồm nhiều sở, ngành và giám sát hằng tuần, báo cáo UBND tỉnh. Ngày 25/6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, tổ trưởng tổ giám sát, cho biết: Chủ dự án vừa đưa một khoan từ Hà Nội vào nhưng mũi khoan liên tục bị gãy vì gặp đá quá cứng. Hiện vẫn chưa phát hiện dấu hiệu nào của kho báu…
Theo Pháp Luật VN