Quan chức Hoa Kỳ cho hay nước này sẽ nhấn mạnh nhu cầu giảm căng thẳng về chủ quyền ở Biển Đông trong diễn đàn ở Campuchia tuần tới.
Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm bất ngờ Afghanistan trước khi sang châu Á
Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ có mặt tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF 9) của khối Asean với một số nước lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, họp ngày 12/7 tại Phnom Penh.
Trung Quốc mà đại diện là Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cũng có mặt tại hội nghị.
Một trong các chủ đề được trông đợi tại ARF 9 là tình hình tranh chấp Biển Đông, mà những ngày qua đang nóng lên đáng kể sau các động thái khẳng định chủ quyền của các nước liên quan, nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Hãng thông tấn Pháp Agence France-Presse dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói tại Bắc Kinh rằng tất cả các bên liên quan cần hiểu rõ là "đang có nguy cơ xảy ra các diễn biến gây ảnh hưởng tới nền tảng của sự thịnh vượng ở Á châu".
Ông này được dẫn lời nói: "Với sự chậm lại của kinh tế châu Âu cũng như triển vọng phục hồi kinh tế ở Mỹ còn chưa chắc chắn, rõ ràng là vai trò của châu Á rất quan trọng".
Theo quan chức Mỹ, "vấn đề Biển Đông phức tạp thêm nữa bởi vì nó khuấy động tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở tất cả các quốc gia liên quan".
Người dân Việt Nam đã xuống đường nhiều lần để phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi cư dân mạng Trung Quốc cũng ngày càng nhiều người ủng hộ sử dụng quân sự để giành chủ quyền.
Đối trọng
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Việt Nam, Philippines và các nước nhỏ hơn trong khu vực dường như đang kiếm tìm đối trọng cho sự trỗi dậy ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc.
"Vấn đề Biển Đông phức tạp thêm nữa bởi vì nó khuấy động tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở tất cả các quốc gia liên quan."
Quan chức Mỹ giấu tên
Trước khi tới Phnom Penh, Ngoại trưởng Clinton sẽ dừng chân tại Hà Nội trước khi thăm chớp nhoáng nước Lào.
Nghị trình chuyến thăm Hà Nội của bà Clinton chưa được công bố, nhưng có nguồn tin nói bà sẽ đề cập tới việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ lên mức mới.
Biển Đông cũng sẽ được hai bên bàn thảo, nhất là khi Asean đang thúc đẩy đàm phán về Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Việt Nam muốn kêu gọi ủng hộ của quốc tế cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình.
Mới đây, Ấn Độ cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình trong vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae nói Delhi tin rằng "tranh chấp phải được các nước giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và theo quy định của luật pháp quốc tế".
Tháng trước, Trung Quốc thông báo mời thầu quốc tế trong chín lô dầu khí ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam, trong đó có lô Việt Nam đã giao cho đối tác Ấn Độ thăm dò để cùng khai thác.
Theo bbc