-
Tuần qua, rất nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm phô diễn sức mạnh, răn đe kẻ thù, trong đó có cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), tập trận hải quân Mỹ-Philipines, hay tập trận của NATO nhằm đe dọa Syria.
Cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn RIMPAC-2012
Cuộc tập trận RIMPAC-2012 (Vành đai Thái Bình Dương) đã được khai hỏa từ ngày 29/6 và kết thúc ngày 3/7 vừa qua với sự tham gia của quân đội 22 quốc gia trên thế giới.
Cuộc tập trận diễn ra ở quần đảo Haiwaii, Mỹ. Đây được xem là cuộc tập trận hải quân định kỳ lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm một lần.
Cuộc tập trận RIMPAC 2012 có sự tham gia của 42 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh lính đến từ 22 nước trên khắp thế giới. 22 nước này gồm có Nga, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na-uy, Peru, Hàn Quốc, the Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, Anh và Mỹ.
Các chiến đấu cơ Mỹ tham gia tập trận RIMPAC-2012
Nội dung tập trận gồm các bài diễn tập đổ bộ, bắn súng, phóng tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không. Bên cạnh đó, chương trình tập trận còn có các hoạt động như chống hải tặc, rà mìn, phá chất nổ, lặn và cứu hộ.
Cuộc tập trận hải quân rầm rộ của 22 nước diễn ra trong bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang nóng bỏng bởi sự "quay trở lại" của Mỹ. Washington mới đây tuyên bố, nước này sẽ chuyển trọng tâm an ninh của mình sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, Mỹ đang đặt mục tiêu đưa phần lớn tàu chiến của nước này đến Châu Á đồng thời tăng cường củng cố các mối quan hệ đối tác, hợp tác với các nước trong khu vực. Chiến lược này của Mỹ đang khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.
Mỹ-Philippines tập trận hải quân củng cố sức mạnh hợp tác
Hải quân Mỹ và Philippines ngày 2/7 đã tiến hành cuộc tập trận chung hàng năm mang tên Huấn luyện và sẵn sàng hợp tác trên biển (CARAT) kéo dài 9 ngày tại thành phố General Santos ở miền nam Philippines.
Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Arnulfo Marcelo cho biết cuộc tập trận nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng hải quân hai nước và cải thiện sự phòng vệ của hải quân Philippines.
Hải quân Mỹ đã triển khai đến CARAT tàu khu trục hơn 4.000 tấn USS Vandergrift và tàu cứu hộ USNS Safeguard, trong khi tuần duyên nước này điều động tàu USCG Waesche, trọng tải hơn 4.000 tấn tham gia tập trận. Ngoài ra, Mỹ còn cử một máy bay do thám P3C Orion, một trực thăng SH-60B và 350 binh sỹ tới tham gia cuộc tập trận.
Còn về phía Hải quân và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có sự góp mặt của một số tàu chiến, một máy bay trực thăng và 550 binh lính.
Các hoạt động huấn luyện trong khuôn khổ cuộc tập trận CARAT bao gồm nhiều hình thức diễn tập huấn luyện trên biển và trên không như lặn, cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn...
Washington và Manila tổ chức tập trận chung từ năm 1998. Đến năm ngoái, Mỹ yêu cầu gia tăng các cuộc tập trận chung với nước đồng minh, một phần trong chiến lược quân sự "hướng Đông" của chính quyền Mỹ.
NATO tập trận răn đe Syria
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên của NATO) và Syria leo thang, có nguy cơ bùng lên thành chiến tranh, NATO quyết định tổ chức cuộc tập trận chống khủng bố, khuếch trương sức mạnh ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, gần lãnh hải Syria. Cuộc tập trận được khai hỏa hôm 6/7 vừa qua.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 3 chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp với 545 thủy thủ.
Các chiến hạm tham giatập trận sẽ diễn tập khả năng đối phó với đối phương bằng việc sử dụng hải pháo, tên lửa diệt hạm, tên lửa phòng không và cả ngư lôiMark 46, loại được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm.
Cuộc tập trận của NATO trên Địa Trung Hải diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria leo thang căng thẳng từ sau sự cố Damascus bắn rơi chiến đấu cơ của Ankara. Sau sự việc, Ankara đã yêu cầu NATO hỗ trợ quân sự, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Các quốc gia NATO đều cam kết sẽ thực hiện đẩy đủ yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran tập trận tên lửa rầm rộ, cảnh báo Israel, Mỹ
Hôm 2/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã khai hỏa một cuộc tập trận tên lửa quy mô lớn kéo dài 3 ngày trên một khu vực sa mạc, nhằm đưa ra cảnh báo đối với những đe dọa quân sự của Mỹ và Israel. Cuộc tập trận này mang tên "Nhà tiên tri Vĩ đại 7, diễn ra trên một vùng sa mạc ở Iran với 100 mục tiêu giả định.
Cuộc tập trận được tổ chức nhằm kiểm tra độ chính xác của các hệ thống và đầu đạn tên lửa, bằng việc nhắm vào những doanh trại giả ở sa mạc Kavir ở miền trung Iran. Có hai loại tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong cuộc tập trận, bao gồm Qiam (có tầm bắn khoảng 500 tới 750 km) và tên lửa đối hạm Khalij Fars (có tầm bắn khoảng 300 km).
Iran diễn tập tên lửa trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực leo thang, đặc biệt liên quan đến lệnh trừng phạt mới mà phương Tây áp đặt chống Iran nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Iran thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận để nhấn mạnh lời cảnh cáo về việc sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại những nước láng giềng, như Afghanistan, Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia, nếu Tehran bị tấn công bởi Israel hoặc Mỹ.
Tel Aviv và Washington cho rằng hành động quân sự đối với Iran vẫn là một lựa chọn, nếu các biện pháp trừng phạt và ngoại giao thất bại trong việc thuyết phục quốc gia Hồi giáo ngừng chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi.
Việt Nguyễn - (tổng hợp)
theo vnm