Với 10 triệu đồng vay từ Trung ương Đoàn, Hoàng Trọng Hợp (SN 1980, dân tộc Tày) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ba ba, trồng rừng.
Quê Hợp ở xã Xuân Long- một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình (Yên Bái), gia đình có đến 10 anh chị em, nên đời sống càng cơ cực. Hợp cũng mồ côi bố khi còn nhỏ, phải bỏ việc học ở nhà làm rẫy, nhưng luôn nghĩ cách vươn lên.
Khăn gói đi thực địa nhiều mô hình nuôi ba ba ở Hải Dương để về thực hiện tại địa phương, nhưng Hợp gần như bế tắc vì thiếu vốn. Sau đó, đến năm 2007, chàng trai này tìm đến nguồn vốn vay giúp thanh niên lập nghiệp của T.Ư Đoàn và có ngay 10 triệu đồng.
Hoàng Trọng Hợp đã thành công với mô hình nuôi ba ba.
Khi vay được vốn, Hợp mạnh dạn thu gom nguồn ba ba tự nhiên của bà con mang về ao nhà, vừa nuôi vừa mày mò tìm hiểu. Hiện chàng trai Tày đã nhân rộng và phát triển được 3 ao nuôi ba ba với hơn 300 con ba ba thịt, hàng chục đôi ba ba gai sinh sản, trở thành cơ sở cung cấp giống của loài vật này uy tín cho bà con khắp vùng.
Kinh tế gia đình Hợp nhờ ba ba đã thay đổi hẳn. Đứng dưới ao, nhấc con ba ba trên tay, Hợp chia sẻ: “Có lần ba ba bị bệnh chết nhiều, hai vợ chồng thay nhau trực bên ao, sợ ba ba chết đến mất ăn, mất ngủ”.
Không dừng lại ở mô hình nuôi ba ba, có được nguồn vốn ổn định, Hợp đã đầu tư trồng 4ha rừng, vừa phủ đất trống đồi trọc lại có thêm nguồn thu nhập.
Dù bận làm ăn, Hợp vẫn tích cực tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương như giúp nhau cách thức sử dụng vốn vay chính sách sao cho đúng mục đích, đạt hiệu quả; tận tình chia sẻ mô hình làm kinh tế với thanh niên.
Anh Thang Quang Mơ (Bí thư Đoàn xã Xuân Long) nhận định: Mô hình làm kinh tế của Hợp thực sự là tấm gương sáng, đánh thức nghị lực và sức trẻ thanh niên trong xã, thu hút thanh niên gắn bó với cơ sở Đoàn địa phương.
Theo Tiền Phong