Văn Quyến sinh năm 1984, nay đã 28 tuổi, hẳn quá già để gọi là một cậu bé, nhưng những gì người ta từng biết về anh từ khi còn là một cầu thủ trẻ thì có vẻ như không có gì thay đổi.
Văn Quyến từng là “cậu bé vàng” của bóng đá Việt từ khi còn rất trẻ (16 tuổi) và Vòng chung kết U16 châu Á được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2000 được xem là cột mốc cho sự ra đời của một tài năng.
SAI LẦM NỐI TIẾP SAI LẦM
Thế giới bóng đá ghi nhận có 2 loại “cậu bé Vàng”, một là những người tiếp tục thể hiện tài năng của mình cho tới cả khi đã trưởng thành, và còn lại không thành công khi phát triển sự nghiệp về sau. Văn Quyến cho tới lúc này thuộc về trường hợp thứ hai.
Khác với Sài Gòn Xuân Thành đưa ra quyết định tuyển mộ Văn Quyến hồi giữa mùa giải nhắm đến nhiều mục đích, chủ yếu là PR cho hình ảnh của CLB bằng sức hút từ thần đồng một thưở của bóng đá Việt. Trong khi đó, tiền đạo xứ Nghệ chỉ có 1 mục tiêu duy nhất là được vào sân chơi bóng sau hơn 2 năm mòn mỏi trên băng ghế dự bị ở SLNA.
Nhưng có vẻ mục tiêu đó của Văn Quyến cũng sẽ rất khó trở thành hiện thực căn cứ theo phong độ hiện tại của anh và càng ngày quyết định chuyển vào Sài Gòn càng mang theo mầu sắc của một sự lựa chọn sai lầm.
Thật ra, nếu thật sự muốn ra đi, Quyến từng có rất nhiều cơ hội nhưng anh đã không thực hiện điều đó. Thể Công năm 2009 của tướng Hồ Tri Liêm từng chuyển lời đề nghị tới Văn Quyến và Quốc Vượng nhưng chỉ có một mình Vượng gật đầu nhận lời ra Thủ đô. Hòa Phát Hà Nội của người thầy cũ Nguyễn Thành Vinh năm 2011 cũng mong muốn có Văn Quyến nhưng bị anh khước từ.
Sự hàm ơn và mong muốn báo đáp lại đội bóng xứ Nghệ vốn đã cưu mang Quyến sau quãng thời gian dính vào vòng lao lý hồi SEA Games 2005 có vẻ chỉ là cái cớ. Nhiều người cho rằng, Văn Quyến quyết định ở lại và đóng đinh số phận cùng SLNA bởi ở đội bóng ấy anh tìm thấy cho mình cái “vỏ ốc” của sự bao bọc, che chở từ những người đàn anh và một sự tôn trọng mang tính mặc nhiên phải có từ đám cầu thủ mới lớn.
KẾT CỤC BUỒN KHÓ TRÁNH KHỎI
Nhưng khác với điện ảnh có kỹ xảo và hóa trang để kéo lùi thời gian, bóng đá là cuộc chơi trần trụi, khắc nghiệt và không có chỗ để Văn Quyến mãi đóng vai cậu bé. Thân hình ngày một nặng nề hơn kéo theo những bước chạy kém phần thanh thoát khiến Quyến thậm chí không đáp ứng nổi một yêu cầu tối thiểu là đủ thể lực đá trọn 90 phút và hơn 2 năm qua sống trong cảnh đời thừa.
SLNA dù đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn mang nặng tính bao cấp, song sự bao bọc nào cũng chỉ có giới hạn. Ít người dám tin rằng sau chừng nửa mùa “đổi gió” ở Sài Gòn sẽ là một Văn Quyến rất khác trên sân Vinh mùa tới.
Bởi chính Quyến vẫn chưa cho thấy nỗ lực đủ để phục dựng lại hình ảnh tiền đạo tài năng ngày nào của bóng đá Việt Nam, nếu không muốn nói là càng ngày sức ì về thể lực và tinh thần của “cậu bé Vàng” càng lớn.
Đáng buồn vì ở độ tuổi ấy của Quyến nhẽ ra phải là quãng thời gian chín nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Trên khía cạnh một con người, đã bắt đầu chính chắn trong suy nghĩ, lối sống và ứng xử. Và nói theo kiểu “xã hội” thì những người từng va vấp, từng chịu sự phán xét của cả lương tâm và pháp luật, thì phải cứng cáp hơn bình thường.
Theo Bongdaplus