Các quốc gia châu Á cần phải khẩn trương hành động để bảo vệ các thành phố khỏi lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm tăng các rủi ro môi trường, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo.
Đường phố của thủ đô Manila, Philippines chìm ngập trong nước lũ. (Ảnh minh họa: filipinobook)
Đầu tư chủ yếu vào cơ sở hạ tầng và quy hoạch thành phố thông minh - tập chung vào phát triển xanh - là biện pháp duy nhất để hạn chế ảnh hưởng của thiên tai khi phạm vi đô thị mở rộng, một báo cáo của ADB cho biết.
"Châu Á đã chứng kiến sự gia tăng dân số thành thị chưa từng thấy nhưng điều này lại đi đôi với căng thẳng về môi trường, " nhà kinh tế trưởng ADB, Changyong Rhee nói.
"Thách thức lúc này là đưa ra các chính sách làm đảo ngược lại xu hướng đó và mở đường cho sự phát triển của công nghệ xanh cũng như đô thị hóa xanh...Xu hướng (đô thị hóa) sẽ tiếp tục với tốc độ chóng mặt...Các thành phố châu Á sẽ có rất ít thời gian để chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng thích hợp" ông nhấn mạnh.
Lũ lụt ảnh hưởng tới 80% diện tích thủ đô Manila, Philippines vào cuối tuần trước; trận đại hồng thủy khiến hàng chục người tại các đô thị Trung Quốc thiệt mạng vào hồi tháng Bảy và ngập lụt nhiều khu vực tại Bangkok, Thái Lan năm ngoái...đã cho thấy đa số các thành phố châu Á không thể đối phó với những thách thức của sự biến đổi khí hậu và bảo vệ dân cư của mình, ADB nói.
Tình hình có thể xấu đi, ngân hàng ADB cảnh báo khi các nền kinh tế châu Á tăng trưởng và hàng trăm triệu người đổ xô về các "siêu đô thị" với dân số trên 10 triệu người.
Các thành phố châu Á đã thu hút hơn 1 tỷ cư dân mới từ năm 1980 tới 2010 và sẽ hấp dẫn thêm 1 tỷ người nữa vào năm 2040, theo nghiên cứu của ADB, với hơn một nửa các siêu đô thị của thế giới nằm trong khu vực.
Như một hệ quả của sự gia tăng dân số chóng mặt, tội phạm, bất bình đẳng xã hội và các khu ổ chuột đang gây áp lực đối với các cơ sở hạ tầng hiện có, đẩy nhanh sự cần thiết của các phản ứng táo bạo từ chính quyền các thành phố, tổ chức có trụ sở tại Manila cho biết.
Châu Á đã "chi nhiều tiền bạc vào cơ sở hạ tầng nhưng từng đó vẫn không đủ để bảo vệ người dân," Rhee nói.
"Chúng tôi tập chung vào chất lượng...chứ không phải vung tiền vào số lượng," ông nói, đồng thời chỉ trích việc xây dựng các tuyến đường không có hệ thống thoát nước như một ví dụ về sự phát triển không hoàn thiện.
Theo Atlas 2011 về Nguy cơ Thảm họa Tự nhiên do hãng phân tích rủi ro Maplecroft thực hiện, năm ngoái, thảm họa tự nhiên đã gây thiệt hại 380 tỷ USD cho các quốc gia châu Á, trong đó chủ yếu là trận động đất gây ra sóng thần ngày 11/3 tại Nhật Bản với ước tính thiệt hại khoảng 210 tỷ USD.
Sầm Hoa (Theo CNA)