- Tàu tên lửa tàng hình cao tốc ba thân (Trimaran) KRI Klewang hạ thủy hôm 31/8 được phía Indonesia giới thiệu là tàu chiến tiên tiến nhất Đông Nam Á, thậm chí tiên tiến nhất thế giới.
KRI Klewang có thiết kế xuyên sóng 3 thân, còn được gọi là X3K, được đóng bằng các vật liệu kết cấu sợi carbon vinylester có trọng lượng nhẹ, bền và khả năng chống ăn mòn tốt, cũng như có tiết diện mặt cắt ngang giảm đáng kể.
Sự ra đời
Dự án Trimaran được Indonesia bắt đầu khởi động từ 5 năm trước, Giám đốc điều hành của North Sea Boats (công ty đầu tư cho nhà máy PT Lundin, viết tắt là NSB) đã từng làm việc cho một công ty đóng tàu ở Thụy Điển, sau đó tới Indonesia thành lập doanh nghiệp đóng tàu của mình, trong đó có North Sea Boat (năm 2003).
Ngay từ đầu, khi thiết kế của dự án Trimaran được công bố, nhiều người đã liên tưởng tới công nghệ thiết kế tối ưu ở lớp tàu hộ tống tàng hình Visby của Thụy Điển.
Tàu hộ tống tàng hình lớp Visby của Thụy Điển
Dự án X3K được thiết kế cùng với đối tác New Zealand thông qua công ty thiết kế hải quân LOMOcean Design Ltd trong thời gian 2 năm, trong đó bản vẽ ý tưởng X3K của LOMOcean Design chỉ dài có 24 m.
Tàu cao tốc tên lửa tàng hình với thiết kế 3 thân KRI Klewang của Indonesia
Công nghệ tổng hợp
X3K được thiết kế có hình dáng cao, xuyên sóng, độ ổn định và chống chọi sóng biển tốt, vì vậy tàu có thể hoạt động ở những vùng có sóng biển cao tới 6 mét.
Đây là một thiết kế tàu chiến tiên tiến đầu tiên được sản xuất ở một quốc gia đang phát triển (Indonesia). NSB nói rằng họ sử dụng vật liệu carbon có kết cấu nhiều lớp “chưa từng có” cả về kỹ thuật kết cấu composite và công nghệ sản xuất. Một phần lớn các vật liệu được cung cấp bởi đối tác đóng tàu Gurit thông qua một chi nhánh hàng hải ở New Zealand. Trong khi đó, một phần lớn vật liệu của Gurit lại có xuất sứ từ Trung Quốc, các vật liệu carbon còn lại được sản xuất từ nhiều nước khác nhau.
Vì không có lực lượng lao động tay nghề cao ở địa phương, NSB đã áp dụng công nghệ thiết kế và sản xuất cải tiến để phù hợp với trình độ công nhân. Ví dụ, tàu sử dụng số lượng lớn các tấm bảng phẳng,hệ thống pha chế chân không thể tích lớn và máy cán CNC để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng cần thiết.
Thiết kế "xuyên sóng" và hình dạng hầm hố của Klewang làm người ta liên tưởng tới các chiến hạm lớp Visby của Thụy Điển
KRI Klewang có tổng chiều dài 63 m, chiều dài ngập nước 61 m, sườn ngang rộng 16 m và tải trọng chỉ 219 tấn. Tàu sử dụng 4 máy động cơ đẩy nước MJP 550 (2 máy đặt ở hai thân phụ và 2 đặt ở thân chính), 4 máy MJP 550 được điều khiển bởi 4 động cơ MAN V12 đạt công suất 1.800 mã lực/động cơ. Sự kết hợp động cơ đẩy mạnh và tải trọng nhẹ giúp Klewang có thể tăng tốc lên 35 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 22 hải lý và khả năng hoạt động trong phạm vi 2.000 dặm ở tốc độ 16 hải lý/giờ.
Phía bên trong tàu có 3 sàn, được thiết kế cho 29 người, bao gồm một lực lượng đặc nhiệm. Tàu cho phép triển khai một xuồng cao tốc 11 m X2K có tốc độ lên tới 50 hải lý/giờ ở phía sau.
Trang bị vũ khí Trung Quốc
NSB nói rằng cấu hình hệ thống chiến đấu của Klewang vẫn đang được phân loại, nhưng có thể trang bị một hệ thống vũ khí cực nhanh đánh gần (CIWS), hệ thống điều khiển chiến đấu và tên lửa từ CSOC và CPMIEC của Trung Quốc.
Một số nguồn tin cho rằng, KRI Klewang sẽ được trang bị ít nhất 4 và có thể là 8 tên lửa chống tàu Type-705 (kết quả hợp tác sản xuất từ tên lửa C-705 của Trung Quốc) có tầm bắn xa 120 km. Các tên lửa chống tàu này sẽ được đặt trên bệ phóng ở phần cấu trúc thượng tầng.
CEO của NSB đến từ một công ty đóng tàu Thụy Điển, vậy phải chăng X3K cũng được thiết kế dựa trên ý tưởng từ hộ tống tên lửa tàng hình Visby
Theo như thiết kế đồ họa, ở kiến trúc thượng tầng của tàu cũng được gắn một hệ thống phòng thủ tầm gần CIWS có cỡ nòng nhỏ và được thiết kế góc cạnh để tàng hình, tương tự như loại vũ khí phòng thủ trên tàu tên lửa 3 thân Type 022 của Trung Quốc. Theo NSB thì tàu chiến của họ có thể được lắp nhiều loại vũ khí chống tàu khác như tên lửa Penguin, Exocet hoặc RBS 15 và pháo 40 - 57 mm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, mặc dù Klewang có thể mang được nhiều hệ thống vũ khí chống tàu điển hình trên thế giới, nhưng thực tế, giải pháp lựa chọn này là không khả quan bởi Indonesia đang sử dụng chủ yếu là các tên lửa chống tàu như C-705 của Trung Quốc.
Klewang sẽ được trang bị đầy đủ vũ khí trong vòng 4 tuần tới. Sau đó nó sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm và kiểm tra trên biển bắt đầu từ tháng 10. Dự kiến sẽ bắt đầu đi vào phục vụ trong Hải quân Indonesia vào năm 2013.
KRI Klewang được tuyên bố là tàu quân sự tiên tiến nhất ở Đông Nam Á
Theo kế hoạch của hợp đồng đã ký với Hải quân Indonesia, đến năm 2014, NSB sẽ cung cấp cho hải quân 4 tàu tên lửa loại này. Trong đó, mỗi tàu sẽ được đóng trong thời gian từ 1 - 1,5 năm.
Tổng quan mà nói, tàu tên lửa tàng hình cao tốc X3K của Indonesia được trang bị vũ khí không quá nổi bật về sức mạnh nhưng bù lại ở tốc độ cao và khả năng tàng hình trước radar. Mặc dù được áp dụng công nghệ đóng tàu từ nhiều nước khác nhau, trong đó chủ yếu là sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng rõ ràng, Trimaran tàng hình Klewang là một thành quả đáng ghi nhận của ngành công nghiệp đóng tàu Indonesia.
Yến Phạm
(theo Defense Media Network)