HÀ NỘI (NV) - Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả quốc tế (CJP) trong một bản phúc trình đặc biệt nói rằng tình hình tự do báo chí tại Việt Nam ngày càng tồi tệ.
Công an thường phục xô đẩy và bắt những người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội ngày 21 tháng 8, 2011, lên xe buýt đem đi thẩm vấn và giam giữ. Nhiều người trong số này là những người viết báo mạng cá nhân. (Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)
Tổ chức này cáo buộc nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đàn áp nhiều hơn trước không chỉ đối với những người viết báo tự do, viết blog mà còn siết chặt sự kiểm soát cả những người ký giả phục vụ cho hệ thống truyền thông của chế độ.
CJP nói rằng, các ký giả phục vụ trong hệ thống truyền thông của nhà nước bị buộc phải viết báo theo chỉ thị, đặc biệt là các đề tài chính trị nhạy cảm. Những bản tin hay loạt bài điều tra thuộc loại bất lợi uy tín của nhà cầm quyền thường bị buộc phải rút xuống nhanh chóng. Báo Tuổi Trẻ viết loạt bài về thuế lợi tức cá nhân nêu ra cho thấy thuế ở một nước nghèo khó như Việt Nam lại cao hơn những nước giầu có ở khu vực. Bài báo sau đó được cấp trên ra lệnh phải rút xuống.
Nhiều người viết blog thuộc loại “lề trái” như ông Huỳnh Ngọc Chênh (cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên) từng bị ép đóng blog.
Ðối với ký giả ngoại quốc hành nghề tại Việt Nam, họ bị công an theo dõi chặt chẽ hàng ngày và bị cấm gặp những ai có thể nói những điều bất lợi cho nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền chỉ cấp chiếu khán lưu trú cho các ký giả ngoại quốc 6 tháng một lần để người ta ngầm hiểu phải tự kềm chế.
Bản phúc trình của CJP thuật lại cuộc gặp bí mật với cô Trịnh Kim Tiến. Một nữ sinh trở thành người viết blog nổi tiếng sau vụ cha cô bị công an đánh gãy cổ rồi thiệt mạng chỉ vì không đội mũ “bảo hiểm.” Cô cho hay nhà cầm quyền khủng bố cô với những lời nhắn tục tĩu hay đe dọa trên điện thoại và cả trên trang facebook của cô. Ðịa chỉ nhà ở và số điện thoại của cô còn bị “kẻ xấu” bỏ vào chỗ quảng cáo bán dâm. Dù vậy, cô cương quyết tiếp tục viết, tiếp tục chiến đấu cho lẽ phải.
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế, trong bản phúc trình ngày 19 tháng 9, 2012, đặc biệt về tự do thông tin tại Việt Nam nói tình hình tự do báo chí ở nước này mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn trong khi nhà cầm quyền đối diện với một nền kinh tế suy kiệt, cuộc khủng hoảng ngân hàng và quần chúng thì tức giận với tình trạng tham nhũng tràn lan.
“Nhà cầm quyền CSVN rõ ràng nhìn những người viết báo độc lập, các người viết blog là những người đe dọa sự ổn định của chế độ. Ông Shawn Crispin, đại biểu khu vực Á Châu của tổ chức CJP nói với hãng thông tấn AFP.
Bản phúc trình đặc biệt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam do ông Crispin viết, đưa ra nhận xét rằng chế độ Hà Nội “duy trì một số trong những sự kiểm soát báo chí chặt chẽ nhất, khó khăn nhất ở Á Châu.” Sự xuất hiện ngày một nhiều các blogs cá nhân vừa đưa tin “ngoài luồng,” vừa đưa những lời bình luận đả kích sự sai trái, sự dối trá của nhà cầm quyền, đã thúc đẩy nhà nước gia tăng đàn áp.
Nhà tù lớn nhất cho những người cầm bút
Cùng với CJP, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng vừa lên án nhà cầm quyền CSVN khủng bố thân nhân và bằng hữu của các người viết báo tự do Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày đang bị bắt giam và sắp sửa ra tòa vào tuần tới.
Trong bản tuyên bố phổ biến hôm Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF nói rằng mới đây, tổ chức này cảm thấy hãi hùng khi ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị cho các cơ quan nhà nước trừng trị nghiêm khắc những người chủ trương ba trang mạng nổi tiếng là Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Ðông.
Ba mạng điện tử này có các bài viết phơi bày hậu trường sân khấu chính trị và kinh tài kiểu phe đảng của chế độ Hà Nội. Trong đó, bộ mặt thật của những người cầm đầu đảng và chính phủ CSVN không có gì đáng ca ngợi.
“Chúng tôi lên án phương pháp đàn áp hai mặt gồm một mặt đàn áp những người bất đồng chính kiến, mặt kia thì đàn áp thân nhân và những người bênh vực họ.” Bản tuyên bố của RSF viết.
Theo các thống kê của tổ chức RSF, đang có ít nhất 19 ký giả và người viết blog bị bỏ tù tại Việt Nam.
“Việt Nam là nhà tù lớn nhất cho những người cầm bút, chỉ sau Trung Quốc và Iran.” RSF nói.
Trên bảng thống kê về chỉ số tự do báo chí được RSF đưa ra hàng năm, Việt Nam xếp hạng thứ 172 trên tổng số 179 nước được khảo sát và đánh giá. Cùng nằm trong đám những nước đàn áp người cầm bút tồi tệ nhất thế giới như Việt Nam gồm có một số nước độc tài quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín như Trung quốc, Bắc Hàn, Cuba, Iran.
(TN)