Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) được trang bị hơn 400 chiến đấu cơ gồm ba loại máy bay chủ lực Mitsubishi F-2, F-15J và F-4EJ.
Tiêm kích F-2 – “Hội tụ tinh hoa”
Tiêm kích F-2 là chiến đấu cơ mới nhất thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF). Có thể nói, thiết kế F-2 “hội tụ mọi tinh hoa” của nền công nghiệp Nhật Bản. Để chế tạo, Nhật Bản huy động tới 3 tập đoàn công nghiệp lớn phối hợp sản xuất.
Chương trình phát triển F-2 bắt đầu từ cuối những năm 1980 nhằm thay thế chiến đấu cơ F-1 lỗi thời. Năm 1987, JASDF quyết định lựa chọn biến thể F-16C (Mỹ) làm nền tảng phát triển máy bay mới.
Tiêm kích đa năng Mitsubishi F-2 có ngoại hình tương tự F-16.
Năm 1988, Tập đoàn Mitsubishi được chọn làm nhà thầu chính cho chương trình. Các Tập đoàn Kawasaki và Fuji tham gia với tư cách nhà thầu phụ sản xuất các bộ phận trên máy bay. Ngoài ra, chương trình phát triển F-2 còn có sự hợp tác từ Mỹ. Tập đoàn Lockheed Martin – “cha đẻ” F-16 giúp chế tạo một số thành phần máy bay, chuyển giao công nghệ sản xuất cho nhà thầu Nhật Bản.
Năm 1997, việc thử nghiệm tiêm kích đa năng F-2 hoàn tất. Hiện nay, JASDF duy trì hoạt động 94 chiếc F-2, giá mỗi chiếc khá đắt 127 triệu USD. F-2 có ngoại hình tương tự F-16 với đặc điểm cánh tam giác, cửa hút gió làm mát động cơ đặt ở dưới thân máy bay. Về kích cỡ, F-2 có diện tích cánh lớn hơn 25% F-16, cửa hút gió và cánh đuôi đều lớn hơn. Một số bộ phận máy bay làm bằng vật liệu composite giúp làm giảm khối lượng tổng thể.
Buồng lái F-2 thiết kế với tiêu chuẩn hiện đại như trang bị ba màn hình tinh thể lỏng đa năng hiển thị tình trạng máy bay, vũ khí, thông số kỹ thuật bay. Máy bay tích hợp nhiều thiết bị điện tử hiện đại: radar mạng pha điện tử quét chủ động J/APG-1, hệ thống đối phó điện tử, hệ thống liên lạc…
Tiêm kích F-2 mang 4 quả tên lửa đối không tầm ngắn AAM-3 và 4 quả đối không tầm trung AAM-4.
Về hỏa lực, F-2 bố trí một pháo ba nòng cỡ 20mm M61A1 trong thân dùng cho không chiến tầm cực gần. Trên thân và cánh máy bay có 13 mấu treo mang 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9L (hoặc AAM-3 của Nhật), đối không tầm trung AIM-7F/M (hoặc AAM-4 của Nhật), tên lửa không đối hạm Type 80 (tầm bắn 50km) hoặc Type 93 (tầm bắn 170km), bom có điều khiển.
F-2 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F110-GE-129 cho phép đạt tốc độ Mach 2, tầm bay gần 1.000km, trần bay 18.000m.
Đại bàng F-15J
F-15J là biến thể xuất khẩu cho Nhật Bản của tiêm kích đánh chặn trong mọi điều kiện thời tiết F-15C/D. Trong biên chế JASDF có khoảng 200 chiếc F-15J và F-15DJ (biến thể huấn luyện hai chỗ ngồi) hoạt động.
Trong 200 chiếc, ban đầu có một số F-15J được Tập đoàn McDonnell Douglas sản xuất. Sau đó, Mỹ bán giấy phép và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Tập đoàn Mitsubishi lắp ráp F-15J/DJ tại Nhật Bản.
Những chiếc F-15J/DJ có ngoại hình giống hệt F-15C/D, máy bay trang bị các hệ thống điện tử hiện đại do Mỹ sản xuất.
Cụ thể, tiêm kích F-15J lắp radar điều khiển hỏa lực AN/APG-63(V)1 cho phép theo dõi đồng thời 14 mục tiêu và dẫn tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc, hệ thống đối phó điện tử AN/ALQ-135, hệ thống liên lạc hiện đại.
Trong một số đợt nâng cấp tại Nhật sau này, F-15J trang bị các hệ thống radar cảnh báo sớm chống tên lửa do Nhật sản xuất.
"Đại bàng" F-15J tung cánh.
Máy bay thiết kế một pháo 6 nòng cỡ 20mm M61 ở trong thân và 11 mấu treo trên thân và cánh mang hơn 7 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9/AAM-3, tầm trung AIM-7/AAM-4, bom không điều khiển Mk82, bom chùm CBU-87. F-15J không có khả năng mang vũ khí đối đất chính xác cao.
F-15J/DJ lắp hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Pratt & Whitney F-100-100 hoặc F-100-220 cho phép đạt tốc độ tối đa 2.660km/h, trần bay 20.000m.
"Con ma" F-4EJ
Ngoài hai loại máy bay hiện đại F-2 và F-15J, JASDF còn duy trì 117 chiếc tiêm kích F-4EJ thế hệ cũ. Số máy bay này Nhật Bản mua của Mỹ từ năm 1968. Tương tự F-15J, phía Mỹ cũng bán giấy phép và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Tập đoàn Mitsubishi chế tạo F-4EJ trong nước.
F-4EJ có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ: đánh chặn tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không, hộ tống máy bay ném bom, tấn công mục tiêu mặt đất, áp chế hệ thống phòng không đối phương (tiêu diệt trạm radar hệ thống tên lửa đối không quân địch).
Thiết kế từ những năm 1960 nên về hệ thống điện tử của F-4EJ có phần lạc hậu hơn các máy bay F-2 và F-15J. Máy bay trang bị radar đa chế độ AN/APG-66J có tầm phát hiện mục tiêu ngắn, 55km. Nhưng về mặt hỏa lực, F-4EJ có khả năng mang vũ khí không thua kém F-2 và thậm chí nhỉnh hơn F-15J, có thể công kích mục tiêu mặt đất bằng vũ khí chính xác cao.
Tiêm kích - bom F-4EJ Phantom (con ma).
F-4EJ mang được 8,4 tấn vũ khí trên 9 giá treo gồm các loại: tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9/AAM-3, tầm trung AIM-7; tên lửa không đối đất có điều khiển AGM-65 Maverick, tên lửa chống radar AGM-88; bom có điều khiển GBU-10/12/15, bom chùm CBU-87, bom thông thường khác.
F-4EJ trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực J79-GE-17A cho phép đạt tốc độ tối đa 2.370km/h, tầm bay 2.600km, trần bay 18.300m. Trước tình hình quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp, Nhật Bản đang cố gắng tăng cường phi đội máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Tháng 8/2012, Nhật Bản ký hợp đồng với Tập đoàn Lockheed Martin mua 4 tiêm kích F-35A với tổng trị giá khoảng 750 triệu USD. Tương lai, số lượng này có thể tăng thêm, hoặc Nhật Bản sẽ mua giấy phép sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Tập đoàn Mitsubishi thực hiện chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 ATD-X Shinshin đầy tham vọng. Dự kiến, mẫu thử ATD-X sẽ cất cánh lần đầu năm 2014.
Hồng Hà
Theo Infonet