Du khách nước ngoài khi bước vào Khách sạn Meracus ở khu phố cổ Hà Nội sẽ nhận được một bản hướng dẫn từ tiếp tân, với tiêu đề "Làm thế nào để qua đường".
Hình minh họa: Tắc đường tại Hà Nội
Bản hướng dẫn có nội dung sau:
- Thật thoải mái và tự tin
- Nhìn cả hai phía hoặc nhìn vào ánh mắt của người lái xe
- Đi thật chậm và chắc chắn
- Không bao giờ lùi lại
Trong khi các du khách ở London nói về vấn đề thời tiết, các du khách ở Paris tranh cãi về các lựa chọn cho nhà hàng, thì ở thủ đô của Việt Nam không ai có thể tránh khỏi thảo luận sơ đẳng nhất về việc làm thế nào có thể băng qua đường.
Sau một thập kỷ, Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi, từ một thành phố từng rất trầm mặc, với các hàng cây trên các tuyến phố trở thành một dòng sông náo nhiệt với bánh xe cao su và sắt thép. Du khách nếu như không nằm rúm ró trong phòng khách sạn, thì sẽ phải đứng chôn chân ở các con phố, và khoác lên mặt các vẻ biểu cảm - từ kinh hoàng cho đến đần độn vì u mê.
"Ngày đầu tiên chúng tôi đã rất sợ hãi" - Christelle Rouchaville, một du khách Pháp nói khi kể lại việc chồng cô đã đẩy xe nôi của con qua đường như thế nào trong giờ cao điểm. "Nhiều lúc bạn không thể nào băng qua đường nổi".
Chồng của Christelle Rouchaville khuyên những người đi bộ nước ngoài rằng: Hãy cứ tưởng tượng như bạn đang đi xe trượt tuyết vậy. "Các xe máy chạy đánh võng trên các con phố. Bạn cần gia nhập vào dòng người đó".
Bob Greer - một du khách Úc - đến Việt Nam cùng với vợ trong một chương trình giúp đỡ trẻ em thiệt thòi đã chỉ ra dẫn chứng cho sự "siêu phàm" này. "Bạn cứ tin vào Chúa hoặc bất kỳ ai mà bạn đặt niềm tin" - Bob nói khi nhìn các xe máy trên con phố nhỏ với ánh mắt của một 'chiến binh đang trên trận mạc'. "Không được tỏ vẻ sợ hãi, ngay cả khi đầu gối của bạn đang va vào nhau lập cập".
Hà Nội không phải là thành phố duy nhất trên thế giới gặp vấn đề về giao thông. Hàng ngàn chiếc xe máy đổ vào các con phố quanh co và ngõ hẹp tạo thành các dòng xe hai bánh ồn ã.
Các 'chuyên gia' thật sự trong lĩnh vực 'băng qua đường' chính là những người dân Hà Nội. Họ đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau.
Nguyễn Tuấn Minh - một học sinh trung học - gợi ý rằng nên sử dụng 'lá chắn người' để băng qua đường khi đi cùng rất nhiều người khác.
Minh không đồng tình với lời khuyên của khách sạn Meracus. Anh cho rằng việc 'nhìn vào mắt của người lái xe' là không thể.
"Vào lúc mà bạn băng qua đường, có khoảng 40 chiếc xe máy cùng đổ về phía bạn. Nếu như họ thấy bạn, họ sẽ tránh. Đừng đứng đực ra đó".
Rất nhiều người dân Hà Nội cũng kêu ca về tình trạng giao thông hỗn loạn 'tra tấn' thần kinh của họ, đặc biệt là việc bấm còi liên hồi. Phạm Công Thịnh - một người dân Hà Nội làm việc gần khách sạn Metropole - hồi tưởng lại thời ông lái xe đi làm hai thập kỷ trước, trên các con phố bình yên, trước khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế với thế giới.
"Cuộc sống bình yên và dễ chịu" - ông Thịnh nói. "Giờ thì ai cũng căng thẳng - ai cũng muốn kiếm tiền".
Khu vực phố cổ là nơi mà hình dung của du khách về một môi trường dân số dày đặc va chạm với thực tiễn đời sống và hít thở của người dân. Với sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp cổ thời thuộc địa và mùi nhang khói nghi ngút, thành phố này thật sự là bữa tiệc muôn màu về ẩm thực và các quán cafe dọc phố, kết hợp với đó là tiếng gầm rú liên hồi của các động cơ đốt trong. Nói chung thì Hà Nội có các vỉa hè khá ổn, nhưng rất nhiều trong đó đã bị chuyển thành các bãi đỗ xe khổng lồ, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường.
"Đôi khi du khách trở lại đây và thực sự bàng hoàng" - Nguyễn Thị Xoa, một nhân viên du lịch, cho biết. Lời khuyên của cô dành cho các du khách nước ngoài là: "Tôi luôn nói mọi người phải thật sự tự tin và đi chậm thôi. Không bao giờ chạy. Đừng do dự. Để người khác hiểu bạn đang muốn gì".
Trong sách hướng dẫn cho người qua đường của nhà nước có ghi: "phương tiện nhường đường cho người đi bộ khi băng qua lối sang đường". Nhưng điều này thật sự chỉ là mơ ước. Trên thực tế, các chỗ dành cho người đi bộ sang đường cũng không hơn tranh minh họa là mấy.
Khi băng qua đường một chiều, người dân Hà Nội vẫn phải nhìn cả hai phía. Một số đèn báo tại ngã tư trông chả khác gì một sự lãng phí về điện.
"Ở nước ngoài, mọi người đều dừng xe khi có đèn đỏ" - ông Thịnh nói. "Còn ở đây, nếu không có cảnh sát là họ vượt".
Không giống như ở các quốc gia phương Tây, xe máy Việt Nam vẫn là phương tiện đi lại chính cho người dân. Xe ô tô là dành cho người giàu.
Xe máy hay chở theo hàng hóa, làm cho giao thông thêm hỗn loạn. Người lái xe có thể bị phân tâm khi tìm cách giữ thăng bằng cho một chiếc tivi màn hình phẳng phía sau, các két bia lớn hoặc các lô hàng là hoa giả...
Rất nhiều du khách khi được hỏi nói rằng họ sẽ rất muốn trở lại Hà Nội. Và hầu hết trong số đó đều nói rằng vẻ đẹp của thành phố đã 'bù lại' cho những phiền hà mà họ gặp phải tại đây.
Nhưng về nỗi sợ hãi thực sự, đó vẫn là giao thông công cộng.
Cô Xoa nói rằng gần đây cô đã giúp một khách du lịch trở về khách sạn khi quá sợ hãi vì điều kiện giao thông. Khi được chỉ dẫn là du khách có thể đi bộ về khách sạn, trên thực tế chỉ cách đó có một góc phố, vị du khách đó đã rất ngần ngại và bảo rằng: "Tôi sẽ đi taxi".
Lê Thu (theo The International Herald Tribune)