Một toán thanh niên khoảng gần hai chục người trong trang phục múa Lân truyền thống đứng dàn hàng ngang ra chặn chiếc xe Mercedes vừa đi tới. Một trong số đó đội chiếc đầu Lân đứng trước mũi xe, còn một thanh niên đeo mặt nạ vỗ tới tấp vào cửa kính chiếc xe để xin tiền.
Cảnh tượng này không còn quá xa lạ đối với người dân đất Cảng từ nhiều năm nay. Một số kẻ xấu vì hám lời đã khiến múa Lân từ một hoạt động văn hóa truyền thống trong dịp Tết trung thu thành cơ hội để trục lợi, kiếm tiền, gây bức xúc cho rất nhiều người dân.
|
Những cảnh múa Lân được nhiều người xem háo hức như thế này thật hiếm ở thành phố Cảng |
Anh Nguyễn Văn Đông, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Lạch Tray cho biết: “Năm nào tôi cũng bị các đội múa Lân “hành”, múa thì ít mà “xin đểu” là nhiều. Không cho tiền thì chúng “ăn vạ” không để mình buôn bán, còn nếu cho thì lấy đâu ra, ngày mấy chục đội như thế, tôi đến sạt nghiệp. Bực mình nhất là có hôm khách vào mua hàng gặp ngay mấy ông trong đội múa Lân, bị kì kèo xin xỏ tiền nong nên khách hàng khó chịu bỏ đi hết”.
Cùng chung tâm trạng với anh Đông, chị Nguyễn Thị Mến, nhà ở đường Tô Hiệu bức xúc: “Chẳng hiểu múa Lân bây giờ kiểu gì nữa, cấm thấy đội nào múa cho ra hồn mà chỉ nhăm nhăm xin tiền. Trang phục thì lếch thếch, lôi thôi, kĩ thuật múa không có, mấy người cũng đòi lập thành đội Lân. Hôm trước có đội múa Lân vào đúng lúc cả nhà mình đang ăn cơm, chồng mình bảo đợi lát nữa ăn xong rồi vào múa thì bọn họ nằng nặc đòi múa ngay. Đến lúc chồng mình bảo họ múa thì họ lại từ chối với lý do là “gia đình đang ăn cơm” và đòi xin tiền. Vì muốn họ nhanh nhanh đi để cả nhà ăn cơm nên chồng mình rút tiền ra cho nhưng họ lại không lấy vì chê quá ít...”.
Không chỉ “hành” dân ở trong nhà mà ngay cả ngoài đường, múa Lân cũng giở những chiêu, trò ra để xin tiền. Rất dễ thấy cảnh tượng múa Lân chặn đường các phương tiện giao thông trên tuyến quốc lộ 10, đường từ Quảng Ninh về Hải Phòng. Phóng viên đã được chứng kiến xe khách của mình bị một đội múa Lân chặn đầu xe nửa tiếng đồng hồ.
Mặc dù đội Lân giở đủ các mánh khóe ra để xin tiền nhưng chủ xe nhất định không cho, cuối cùng đội múa Lân ấy quay gót ra đi, để lại sau lưng những lời hậm hực, chửi bới. Hỏi lái xe mới được biết “cho đội này thì đội khác sẽ ùn ùn kéo tới nên tốt nhất là không cho”.
Đó là trường hợp nhẹ nhàng, còn có trường hợp đội múa Lân lao vào đòi "xử" chủ phương tiện giao thông vì... không cho tiền hoặc cho tiền quá ít.
Khoảng thời gian từ mùng 8 đến 15 (Âm lịch) là thời điểm “được đất” của các nhóm múa. Khắp các ngõ ngách trong thành phố này, đâu đâu người ta cũng thấy múa Lân. Nhiều người nhìn thấy múa Lân đã phải tránh xa như sợ… “dịch bệnh”.
Bác Hoàng Văn Miên, một cán bộ về hưu nói trong tiếc nuối: “Ngày xưa cứ mỗi dịp Tết trung thu lại mong được xem múa Lân lắm, còn đâu cái háo hức mong chờ ngày ấy. Không có kiểu chặn đường ép buộc người ta cho tiền như bây giờ, mọi người còn rước Lân về nhà múa để lấy may”.
Vậy là từ một hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong dịp Tết trung thu, vô hình chung múa Lân đã bị một số đối tượng xấu làm cho “nhem nhuốc”. Hiện tượng múa Lân “xin đểu” tại thành phố Cảng đã diễn ra từ nhiều năm nay, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này, trả lại nét đẹp vốn có của hoạt động múa Lân truyền thống trong dịp Tết trung thu.
Theo GDVN