Sông Cửa Cạn (H.Phú Quốc, Kiên Giang) có cửa hẹp và cạn, lại có nhiều đá ngầm nên chỉ có ghe nhỏ mới ra vào được. Phía ngoài cửa sông có một bãi cát dài gần 2.000 m. Ngoài việc che chắn sóng, bãi cát này có tác dụng hết sức quan trọng trong việc bảo vệ xóm ngư dân phía trong sông; đồng thời là nơi sinh sản của tôm cá.
Ông Hà Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, cho biết mỗi ngày có khoảng 40 ghe công suất từ 20-90 CV của ngư dân trong xã đi đánh bắt gần bờ. Do hiện nay cửa sông đã bị lấp kín, ghe tàu không thể ra vào được nữa nên bà con ngư dân phải đậu ghe ở bãi Vũng Bầu, có khi phải lên tận Gành Dầu. Để chữa cháy, xã đã huy động gần 60 lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng… dùng cuốc, xẻng làm từ sáng đến chiều nhưng cũng chẳng ăn thua vì nước chảy quá mạnh.
Bãi Cửa Cạn khi chưa bị sạt lở - Ảnh: Giang Sơn |
Theo ghi nhận của PV
Thanh Niên, tại khu vực này có nhiều đoạn sạt lở sâu vào bờ từ 10 - 20 m, khiến nhiều ngôi nhà bị xâm thực hơn phân nửa, nằm thoi loi ra biển. Cồn cát ngăn cánh biển với sông Cửa Cạn từng được coi là biểu tượng đẹp của Phú Quốc hiện đã bị sạt lở khoảng 700 m, còn lại đang bị phá vỡ từng đoạn, do không lưu thông được dòng nước từ sông ra biển và ngược lại. Thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và H.Phú Quốc cần sớm có những động thái tích cực khắc phục tình trạng sạt lở để bảo vệ mũi Cửa Cạn - một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của huyện đảo - trước khi quá muộn.
Giang Sơn
Thanhnien