Có 26 tổ chức tín dụng liệt vào danh sách "đen" thanh tra lần này với mục đích làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
>>Nhiều khả năng BIDV không lấy được 3.984 tỉ đồng tiền nợ vốn
Thông tin trên vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, diễn ra chiều 30/10.
|
Ông Nguyễn Văn Bình: "Sẽ công khai phương án xử lý các tổ chức tín dụng sai phạm để tránh hoang mang cho dân" |
Sẽ công khai danh tính
Theo ông Nguyễn Văn Bình, theo các Luật về Ngân hàng Nhà nước cũng như Luật về tổ chức tín dụng, các nghị định, thông tư hướng dẫn về hoạt động ngân hàng đã có đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá để thế nào là các ngân hàng thương mại thuộc diện phải xử lý. Tuy nhiên, quá trình xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém sức nhạy cảm và có thể gây ra rất nhiều việc tranh chấp.
Hiện, để tiến hành xử lý một ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước tiến hành đồng thời cả hai việc. Một mặt, tiến hành thanh tra tại chỗ để có được bức tranh đầy đủ, chi tiết và chính xác về hoạt động của ngân hàng đó. Đồng thời, mời kiểm toán độc lập quốc tế vào tiến hành kiểm toán để có cơ sở chính xác cho việc quyết định.
Ông Bình khẳng định, "kết quả thanh tra cũng như kiểm toán độc lập vừa qua đã chứng minh, tất cả các tổ chức tín dụng mà thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng và rất phù hợp với các quy định của pháp luật". Năm 2012, có 26 tổ chức tín dụng đã và đang được ngân hàng nhà nước thanh tra. "Chúng tôi sẽ lần lượt công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai, minh bạch rõ ràng. Tuy nhiên động thái này sẽ được thực hiện khi có phương án xử lý cuối cùng để tránh hoang mang cho cộng đồng", ông Bình nói.
Được biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trong giai đoạn cuối cùng để thống nhất lại với các đối tượng bị thanh tra về các con số cụ thể.
90.000 tỷ đồng nợ đọng trong xây dựng cơ bản
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ, trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua thì một số đề án phải tôn trọng tính tự nguyện của các đối tượng tham gia và hiện nay đang trong giai đoạn cuối cùng để thống nhất với các đối tượng này về con số, sau khi thống nhất và có phương án xử lý cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng.
Liên quan đến đánh giá về số liệu nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều thống nhất rằng, con số do Ngân hàng Nhà nước đưa ra là “có cơ sở nhất”.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay khá thống nhất với diễn biến của nền kinh tế và sự giảm xuống của hàng tồn kho. Theo đó, nợ xấu tăng mạnh những tháng đầu năm, song kể từ tháng 6 thì tăng chậm lại.
Về trách nhiệm giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu chỉ đơn thuần là nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về hai đối tượng này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho, tức là hàng đó đã được thế chấp để vay vốn.
“Hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỷ đồng, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn. Do đó việc tiêu thụ hàng tồn kho cũng có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu, nên riêng Thống đốc cũng không thể hứa gì trước được về việc này”, Thống đốc Bình nói.
Bích Ngọc
DatViet