Ai vô tình hay hữu ý hít phải mùi của những loại thuốc sâu độc hại đều phải nằm liệt giường. Nhưng đối với trường hợp ông Tăng Đình Ca, nhiều người phải thốt lên rằng: “Thuốc sâu phải “sợ” ông ấy, chứ không bao giờ ông sợ thuốc sâu!”
Thuốc sâu loại nào cũng không ngán
Hàng ngày ông luôn vác bình bơm đi khắp nơi để giúp nông dân
Căn nhà nhỏ 2 gian lụp xụp trong xóm nghèo là nơi sinh sống của ông Tăng Đình Ca (SN 1950) xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). “Con cái đã lập gia đình hết cả rồi, chỉ còn 2 ông bà già sống với nhau thôi. Ông ấy cũng vừa mới ngủ trưa dậy để chuẩn bị đi phun thuốc sâu đó”, bà Nguyễn Thị Đang (SN 1953), vợ ông Ca phân trần.
Ông Ca kể: Cách đây gần 40 năm, cả nước đang làm kinh tế theo mô hình hợp tác xã, chấm điểm lấy công. Ông Ca lúc đó là một người đàn ông khỏe mạnh với 4 đứa con nhỏ. Đồng ruộng thì ít, một mình ông phải cáng đáng mọi việc để nuôi vợ và các con đang tuổi ăn, tuổi học. Ngoài công việc của hợp tác xã, ông còn làm thuê ở ngoài để kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Nông trường Nguyên Bình Sơn là nơi ông lao động hàng ngày. Tại đây, đối với những việc bình thường, một ngày công được chấm 10 điểm, sau đó quy ra thóc hoặc tiền. Nhưng đối với việc đi phun thuốc trừ sâu thì số điểm cao gấp 3.
“Lúc đó, tôi cùng mười mấy anh em vác bình bơm đi phun cánh đồng lúa, làm được 5 ngày họ liền bỏ hết, vì đi về người thì đầu đau như búa bổ, người bị ê ẩm trong người, nhưng riêng tôi lại thấy bình thường”, ông Ca nói.
Về sau, ông được nông trường tin tưởng giao nguyên cánh đồng lúa rộng bát ngát. Tiếp xúc với rất nhiều loại thuốc như: Bassa 50 EC; Baside; Butyl 10WP; VIMIPC 25BNT; BAM 75WP… nhưng chưa loại nào có thể “đánh gục” được lão nông cao lều khều năm nay đã ngoài 70 tuổi. Sau này, khi nông nghiệp chuyển sang hình thức làm khoán ruộng, ông vẫn tiếp tục chọn cái nghề này làm cần câu cơm cho gia đình.
"Thấy hôm nào ông cũng vác bình bơm đi phun, tôi lo phát hoảng. Phần thì lo cho sức khỏe của ông, phần thì sợ ảnh hưởng đến vợ con. Nhưng can ngăn mãi không được nên đành làm liều để ông ấy “tự quyết vậy”, bà Đang nhìn ông và nói. Mặc dù, hàng ngày ông đều vác thuốc sâu ra rải khắp cánh đồng, nhưng vợ và các con của ông vẫn khỏe mạnh bình thường. Từ khi chọn nghề này làm nghề chính, ông bà còn sinh thêm 3 đứa con nữa. Tổng cộng 7 đứa con, nhưng đại gia đình đều khỏe mạnh, tháo vát trong công việc đồng áng.
Tò mò chúng tôi liền hỏi bí quyết, bà Đang nhanh miệng đáp lời: "Mỗi lần ông đi phun về, tôi nấu cho ông bát chè chát pha mật ong để ông uống thôi”. Chỉ có vậy, nhưng đối với lão nông hơn 70 tuổi, đó là liều thuốc bổ dưỡng để ông có thể “chạy xô” khắp nơi.
Ông Ca vẫn luôn tự hào vì mình làm nghề đặc biệt
“Chạy xô” tứ phương để hành nghề
Tiếng lành đồn xa, không những người trong làng mà nhiều người từ khắp nơi đều đổ về đây tìm ông. “Tầm tháng 3 sau dịp tết Nguyên đán là thời điểm tôi bận rộn nhất, nhiều hôm phải lên lịch cẩn thận để không sót gia đình nào”, ông nói với niềm tự hào.
"Nhiều người xem nó là cái nghề bình thường, nhưng với tôi rất ý nghĩa và cao trọng, vì vừa giúp được nông dân, vừa kiếm được đồng tiền chân chính. Không những vậy, tôi còn được đi du lịch miễn phí nhiều nơi trên đất nước”, ông vừa nói vừa chỉ tay vào bức ảnh quý treo trên tường nhà của một người ở Đà Nẵng tặng khi ông đi làm thuê cho họ.
Cách đây 4 năm, ông được một ông chủ có trang trại lớn trong Đà Nẵng thuê phun cánh đồng mía. Với tốc độ làm việc một ngày 15 bình thuốc trừ sâu, sau hơn một tháng ông mới phun xong cánh đồng mía rộng bát ngát. Mỗi bình bơm thời điểm đó họ trả cho ông 15 nghìn đồng. “Cầm số tiền trên tay, tôi vội vàng bắt xe về quê để đưa cho vợ con, cả nhà ai cũng mừng rơn”, ông nhớ lại.
Rất nhiều người từ khắp nơi như: Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định đều tìm đến ông. Mỗi lúc như vậy, ông lại cấp tốc thu xếp hàng trang gọn nhẹ để theo họ đến những mảnh đất đang cần mình. Đối với một người bình thường một ngày phun khoảng 5 bình với đầy đủ bảo hộ thì sẽ bị liệt mấy ngày liền, nhưng riêng ông vẫn khỏe mạnh khác thường. Vào những lúc đông khách, ông phải tranh thủ đi từ sáng sớm để kịp tiến độ sản xuất của bà con.
Đối với ông, thuốc sâu không là gì, thậm chí cả thuốc sâu bột cực độc ông cũng vô tư xé ngang, nhiều khi bột thuốc bay tấp vào mặt nhưng ông chỉ rửa sơ qua. “Nhiều hôm về nhà tắm giặt sạch sẽ chỉ vì thương vợ con thôi, chứ tôi chẳng sợ gì cả”, ông nói.
Bà Nguyễn Thị Dung, một người hàng xóm và cũng là người thường xuyên thuê ông Ca phun thuốc hăng hái góp chuyện: "Lần đó, tôi thuê ông bơm 2 sào lúa, do trời nắng, sợ ông khát nước ngoài đồng nên tôi vội đưa nước ra. Vừa đi đến đầu ruộng tôi đã bị đau đầu vì sốc mùi của thuốc. Nhưng khi tôi đưa ấm nước, ông chỉ rửa sơ nắp bình bơm, rồi rót nước ra để uống. Thấy thế tôi liền phát hoảng, nhưng ông vẫn bình thường, làm việc lại càng hăng hái hơn, nhìn mà khiếp”.
Vì là nghề đặc biệt nên hàng ngày hầu như công việc của ông Ca không khi nào hết, hết mùa lúa bị sâu bệnh lại đến mùa mía, lạc bị sâu rầy, thế là hàng trăm hộ dân trong làng cứ tìm đến để thuê ông đi phun thuốc trừ sâu. Anh Hà Văn Bình, một người hàng xóm cho biết: "Vì việc phun thuốc trừ sâu độc hại nên ai cũng muốn bỏ tiền ra đi thuê ông Ca phun chứ không muốn làm...”.
Năm 2009, trong một lần phun thuốc trừ sâu cho mía, vì trời quá nắng gắt, trong khi đó cây mía lại quá tốt, một mình ông vật lộn với cái bình thuốc sâu nặng trịch. Do bị ngốt nên ông ngất đi, may mà có người làm gần đó kịp thời phát hiện liền đưa về nhà. Sau khi uống ly nước chanh xong ông dần tỉnh lại và chiều lại tiếp tục đi phun tiếp. “Làm việc này cũng phải chạy đúng tốc độ thi công chứ, nếu chậm chân sâu nó phá hoại hết hoa màu người ta thì mình có lỗi lắm”, ông hóm hỉnh chia sẻ.
Nhiều người dân trong làng thường gọi ông là “ông Ca thuốc sâu”. Ông Ca tỏ ra rất tự hào về biệt danh mà mọi người đã đặt cho mình. “Họ gọi tôi như vậy cũng chẳng sao. Mình làm việc lương thiện, giúp đời là được. Ai có đủ sức khỏe như tôi thì cứ lao vô mà làm”, ông vừa nói vừa cười.
Ông Trinh, trưởng xóm 6 góp chuyện: "Mong nhà báo đưa ông lên báo cho ai có lòng hảo tâm biếu ông cái bơm “xịn” để ông đi bơm dài dài cho bà con chúng tôi nhờ. Không biết sau này khi ông Ca không còn sức để đi phun thuốc trừ sâu thì còn có ai đủ sức khỏe và lòng dũng cảm để theo cái nghề độc hại này nữa”.
Không biết sợ là gì
Điều đặc biệt, ông không như những người khác khi đi bơm thuốc sâu phải chuẩn bị đầy đủ bảo hộ như áo mưa, khẩu trang bịt mặt, găng tay để thuốc khỏi ngấm vào người. Hành trang để ông “hành nghề” chỉ một bình thuốc, chiếc áo sơ mi cũ và cái mũ nhựa để ông đội tránh mưa, nắng. Đồng thời cũng là dụng cụ để ông múc nước đổ vào bình những khi hết nước. “Mấy lần tôi đeo kính bảo vệ mắt vào, nhưng cái đó chỉ áp dụng cho những trường hợp phun ruộng thấp, chứ đối với các loại cây cao như mía, ngô… đeo kính vào là kính bị nhòe liền, do vậy không thể nhìn thấy được”, ông Ca phân trần. |
Kim Hằng