VIỆT NAM (NV) - Chỉ trong chín tháng đầu năm nay, khoảng 35,500 công ty, hãng xưởng Việt Nam dẹp tiệm đã đẩy số người thất nghiệp tăng cao.
Việc làm, khát vọng chính đáng của người trẻ, ngày càng xa vời đối với một số không nhỏ thanh niên Việt Nam. (Hình: báo Thanh Niên)
Phúc trình của Tổ chức Lao Ðộng Quốc Tế viết tắt ILO được công bố hôm 7 tháng 11 nói rằng số công ty ngừng hoạt động tăng 7.1% so với cùng giai đoạn của năm 2011. Tình trạng này khiến số người thất nghiệp tăng cao chưa từng có: 44%. Mục tiêu tìm việc làm cho số người thất nghiệp mới này trở thành nan giải vì số người thất nghiệp đang ngồi nhà từ năm trước hiện vẫn còn khá lớn.
Báo Thanh Niên trích nhận định của bà Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng Viện Khoa Học-Xã Hội Việt Nam nói rằng mục tiêu tạo 1.5 triệu việc làm trong năm 2012 này chắc chắn không thể nào đạt được. Bà này cũng cho rằng sự trì trệ của nền kinh tế vẫn chưa bị phá vỡ khiến các công ty phá sản dây chuyền là nguyên nhân chính đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên cao. Ðiều đáng lo, theo bà Lan Hương, số người thất nghiệp ở các thành thị của Việt Nam tiếp tục tăng trong những năm gần đây, mà đa số là thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Một phúc trình khác của ILO Việt Nam nhìn nhận rằng tỉ lệ thanh niên bị thất nghiệp hiện chiếm 51% số người bị thất nghiệp tại Việt Nam, và nữ bị mất việc cao hơn nam.
Ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam cảnh cáo rằng tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao càng cho thấy xã hội Việt Nam đã đánh mất tiềm năng lớn của thế hệ trẻ và lãng phí nguồn nhân lực quý báu một cách đáng kể. Số thanh niên này không được đi học, không được đào tạo tới nơi tới chốn và không tìm được việc làm thường chôn thời gian một cách vô ích ở những nơi phù phiếm.
Còn theo một số nhà xã hội học, tình trạng thất nghiệp xô đẩy thanh niên mới lớn vào tội ác ngày càng nhiều. Họ dính líu vào các vụ đâm thuê, chém mướn, cướp giật... Một số khác hận đời, mất tự tin, đâm ra ngông cuồng giết tróc không gớm tay, kể cả người sinh ra mình.
Thông thường, tại một quốc gia lâm vào tình trạng suy sụp kinh tế trầm trọng như Việt Nam, người ta trông chờ nhiều vào các nhà hoạch định chính sách, từ nghiên cứu, cho đến phác thảo kế hoạch phục hồi việc làm. Nhưng ở Việt Nam, điều này hầu như chỉ là ảo tưởng.