Con số trên bao gồm các nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về những cuộc chiến, chiến dịch chống khủng bố hoặc “đột nhiên” mất tích hay bị ám sát do có những bài viết nhạy cảm.
Cảnh sát Nga ngăn chặn phóng viên của tờ Kommersant đưa tin về một cuộc biểu tình hồi năm 2011 - Ảnh: Reuters
Thông tin trên được đài truyền hình Mir (Nga) đưa ra hôm qua, ngày 15/12. Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở thành phố New York (Mỹ) cho biết có 53 phóng viên bị giết ở Nga trong hai thập niên qua, theo RIA Novosti.
Nga xếp hàng thứ ba trong số những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới để nhà báo tác nghiệp, đứng đầu là Algeria, Iraq đứng hai, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cho biết trong năm 2012 có 67 nhà báo trên thế giới bị giết vì những bài báo của họ hoặc ngay trong lúc tác nghiệp.
Hôm 6.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố những kẻ đứng sau vụ ám sát một phóng viên truyền hình tại Cộng hòa Kabardino-Balkaria (Nga) sẽ sớm bị bắt và trừng phạt.
Nga chọn 15/12 là ngày Tưởng nhớ nhà báo vì vào ngày này năm 1991 một nhóm phóng viên truyền hình của Nga đã bị phiến quân giết chết.
Ngày 14/12, một tòa án ở thủ đô Moscow (Nga) tuyên án 11 năm tù giam đối với cựu trung tá cảnh sát Dmitry Pavlyuchenkov vì tham gia sát hại nữ nhà báo nổi tiếng Anna Politkovskaya hồi năm 2006.
Tòa cũng buộc Pavlyuchenkov bồi thường 3 triệu rúp (chưa đến 100.000 USD) cho gia đình nạn nhân. Pavlyuchenkov thừa nhận theo dõi hành tung của bà Politkovskaya và đưa súng cho hung thủ.
Trước đó, công tố viên đề nghị mức án 12 năm tù giam và khoản tiền phạt 10 triệu rúp. Sắp tới sẽ tiếp tục diễn ra phiên tòa xét xử 3 anh em nhà Makhmudov, bị cho là đã trực tiếp bắn chết nhà báo Politkovskaya tại khu chung cư của bà ở Moscow.
Politkovskaya là phóng viên điều tra của tờ Novaya Gazeta với những bài viết sắc bén chống tham nhũng cũng như chỉ trích chính sách của Điện Kremlin đối với khu vực Chechnya. Cái chết của bà làm chấn động dư luận và còn gây tranh cãi cho đến nay.
Theo Thanh Niên