Hàng loạt đại gia đình đám đột ngột 'sa chân', một số khác khiến dư luận choáng váng về độ giàu có, chịu chi và sở thích khác người...
Bầu Kiên bị bắt
Nếu được bình chọn, có lẽ đây sẽ là sự kiện gây choáng váng nhất trong năm qua kéo theo nhiều sóng gió cho hàng loạt các tên tuổi đình đám khác.
Được biết đến là "ông trùm" của ngành ngân hàng Việt, là người cực kỳ giàu có nên ngay khi thông tin Nguyễn Đức Kiên - người được biết đến với cái tên bầu Kiên bị bắt vào chiều tối 20/8 được phát đi, thị trường chứng khoán lập tức chao đảo, giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp.
Việc bầu Kiên bị bắt đã làm chấn động dư luận suốt thời gian dài.
Theo thông tin từ cơ quan CSĐT Bộ Công an, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) đã chỉ đạo thường trực HĐQT của ACB ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định. Tổng cộng ACB đã thu về hơn 1.639 tỉ đồng và trên 1,3 triệu USD tiền lãi.
Sau 'cú ngã' bất ngờ của bầu Kiên, 4 bị can khác nguyên là lãnh đạo cao cấp của ACB bao gồm: Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang cũng bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Thiếu vắng bầu Kiên, thị trường bóng đá Việt Nam cũng rơi vào thế vô cùng ảm đạm, 2 đội bóng của ông bầu này bị giải thể, hàng loạt ông bầu khác cũng tuyên bố từ giã bóng đá.
Đại gia thủy sản vỡ nợ
Được dư luận biết đến sau đám cưới rình rang của con trai với hotgirl Quỳnh Chi, nhưng sau đó ít lâu, công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Cần Thơ Diệu Hiền bỗng 'nổi tiếng' với món nợ khổng lồ.
Các hoạt động kinh doanh đình đốn, nợ lương công nhân, nông dân và hàng loạt ngân hàng với ước tính tổng số tiền lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Đại gia thủy sản Diệu Hiền với món nợ khổng lồ khiến Bianfishco lao đao
Bắt đầu từ tháng 3/2012, bà Diệu Hiền đã xin thôi chức TGĐ Bianfishco, đồng thời xuất cảnh sang Mỹ chữa bệnh, để lại toàn bộ gánh nặng nợ nần lên vai chồng là ông Trần Văn Trí.
Tuy nhiên dù cố gắng lèo lái, song tình cảnh của Binafishco không khá khẩm hơn, công ty này liên tiếp bị nông dân đình công, đệ đơn kiện yêu cầu phá sản.
Rất may, vào cuối tháng 10 vừa qua, ngân hàng SHB đã "nhảy vào" cứu công ty này, khi chấp nhận tiếp nhận các khoản nợ xấu của Bianfishco và tiếp nhận tất cả số cổ phiếu của bà Diệu Hiền, trở thành cổ đông chính của Bianfishco.
Trong năm qua, không chỉ riêng Bianfishco lâm vào cảnh đình đốn mà là tình trạng nợ nần là thảm cảnh chung của các đại gia thủy sản.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần CBTP Phương Nam (Sóc Trăng) cũng đột nhiên vỡ nợ với số tiền nợ 7 ngân hàng lên đến trên 1.600 tỷ đồng.
Điều đáng nói, Phương Nam từng được biết đến là một trong số "đại gia" thủy sản lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từng lọt vào Top 10 doanh nghiệp ăn nên làm ra năm 2011, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 là 74 triệu USD.
Đại gia và cuộc ly hôn nghìn tỷ
Vào ngày 17/12 vừa qua, TAND Q.3 (TP.HCM) mở phiên sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười (SN 1973, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao) và vợ là bà Phạm Thị Hương Giang (SN 1976, Phó giám đốc Công ty cổ phần Giám định Đại Tây Dương).
Vụ ly hôn gây sự chú ý rất lớn từ giới truyền thông bởi lẽ số tài sản tranh chấp giữa 2 vợ chồng lên tới 2.000 tỷ đồng và số luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho 2 bên lên đến 8 người.
Hàng loạt biên bản hòa giải giữa 2 vợ chồng ông Mười và bà Giang nhưng cả 2 vẫn quyết định ra tòa.
Tuy nhiên rắc rối ở chỗ, trong khi bà Giang khẳng định số tiền 2.000 tỷ đồng là tổng khối tài sản 2 vợ chồng tạo được trong thời kỳ hôn nhân thì ông Mười lại phủ nhận, cho rằng số tài sản này hầu hết là đi vay.
Ông Mười cho biết ông còn nợ 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng (tương đương 320 tỷ đồng), do đó ông đề nghị tài sản hiện có sẽ ưu tiên trả nợ trước, còn lại sẽ chia đôi. Tuy nhiên yêu cầu này không được bà Giang chấp nhận. Cuối cùng phiên toàn tiếp tục hoãn sau 4 năm liên tiếp.
Vụ ly hôn đắt giá này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ ly hôn giữa ông Bùi Văn Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - trưởng nữ của chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn vào năm 2011 với tổng khối tài sản tranh chấp lên tới 10.000 tỷ đồng.
Vụ mất trộm ầm ĩ tại nhà đại gia
Tối 27/9, người thân của ông Trầm Bê phát hiện sừng tê giác được cất giữ nơi thờ cúng gia tộc trọng lượng gần 4 kg (trị giá hơn 4 tỷ đồng) đột nhiên biến mất.
Vụ mất trộm khiến dư luận xôn xao liên tiếp nhiều ngày sau đó, bởi lẽ vụ trộm xảy ra tại tư gia của chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Nam, PCT HĐQT ngân hàng Sacombank, một trong những người giàu có tại Việt Nam.
Hơn nữa, hàng loạt câu hỏi cũng được tập trung chú ý, trong đó điều được mọi người quan tâm nhất là nguồn gốc chiếc sừng đó từ đâu, liệu có phải là đồ bất hợp pháp?
Nghi vấn càng có cơ sở khi Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) có công văn gửi tỉnh Trà Vinh cho biết ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người được nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam.
Để chấm dứt lùm xùm, ngày 5/10, đại gia Trầm Bê chính thức lên tiếng, tung ra chứng cứ cho thấy con tê giác bị mất trộm là tê giác nhồi bông có nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp do một người bạn tặng. Vụ mất trộm ồn ào khép lại.
Trước đó, ngày 7/2, tại nhà riêng của ông Bùi Ngọc Quan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cũng bị trộm đột nhập lấy đi 247 lượng vàng. Sau 3 tháng, 2 thủ phạm Trần Thị Huệ và Hoàng Thịnh Tý đã bị bắt giữ.
Vào đầu tháng 2 vừa qua, tại TP.HCM cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ mất trộm kim cương của 2 gia đình với tổng tài sản lên tới 12 tỷ đồng.
Siêu đám cưới 50 tỷ ở quê nghèo
Đám cưới của con trai nữ thương gia Nguyễn Thị Liễu (tức Liễu Mạnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) là đám cưới rình rang nhất năm qua với nhiều kỷ lục.
Người ta gọi đó là "siêu đám cưới” bởi lẽ đây là đám cưới có nhiều siêu xe tham gia rước dâu nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, có số lượng chi phí khủng nhất và số người dự cưới đông nhất.
97 siêu xe rước dâu, 10.000 khách tham dự, mỗi mâm cỗ giá 6 triệu đồng, cô dâu, chú rể đeo 60 cây vàng, đám cưới có Mr. Đàm, Phi Nhung biểu diễn... đó là tất cả những gì người ta nhớ về đám cưới này.
Đám cưới trở thành tâm điểm của dư luận nhiều tuần liền, lý lịch, công việc làm ăn của bà Liễu, căn biệt thự tại Hà Nội... cũng được "phanh phui".
Sau đó, đích thân bà Liễu đã lên tiếng giải thích, bà không tiết lộ về tổng số chi phí cho đám cưới, nhưng tiết lộ bà đã phải kỳ công chuẩn bị cả năm rong, lên kịch bản chương trình, đặt hợp đồng ca sĩ từ 6 tháng trước đó... và thẳng thắn tuyên bố toàn bộ tiền mừng đám cưới làm từ thiện.
Đại gia và sở thích "chơi trội"
Thêm một nét chấm buồn cho bức tranh đại gia Việt năm qua khi xuất hiện một số "đại gia" có sở thích bệnh hoạn.
Chấn động nhất là vụ đại gia mua trinh trẻ em giá 10 triệu đồng/lần ở Hà Nội vào đầu tháng 10 vừa qua.
Đường dây mua bán dâm của Mỹ Xuân bị bóc tách, tiết lộ sở thích "chơi trội" của nhiều đại gia.
Tiếp đó là vụ mua dâm trong đường dây của hoa hậu Mỹ Xuân. Theo tiết lộ, có nhiều đại gia sẵn sàng bỏ ra 2.500 USD cho 1 lần vui vẻ với các em chân dài.
Mới đây, công an Hà Nội tiếp tục phanh phui vụ đại gia giải đen bằng trinh gái trẻ. Ngày 24/12, TAND quận Cầu Giấy đưa ra xét xử vụ án, "đại gia" Trần Quang Chiến (SN 1968, Đông Anh, Hà Nội) chịu mức án 5 năm tù về tội hiếp dâm.
M.Anh - vietnamnet