Một cơn bão khổng lồ đang phát triển trên bề mặt Mặt trời, với vết đen (sunspot) to nhất có độ to gấp 6 lần Trái đất - một kích thước "quái vật". Điều này có thể ảnh hưởng tới Trái đất khi những vết đen này bùng nổ năng lượng, gây ra bão từ mạnh.
HuffingtonPost dẫn lời NASA, với nhận định rằng vết đen này vẫn đang tiếp tục mở rộng kích thước.
Vết đen Mặt trời là các khu vực tối trên bề mặt Mặt trời. Độ sáng bề mặt của vết đen vào khoảng 1/4 độ sáng của những vùng xung quanh (độ sáng này là rất nguy hiểm đối với mắt người). Nguyên nhân xuất hiện vết đen là do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh, một hiện tượng gây ra bởi các biến đổi từ trường rất mạnh trên Mặt trời.
Phát ngôn viên của NASA Karen Fox cho biết: "Kích thước của vết đen to nhất đang phát triển lớn gấp 6 lần đường kính Trái đất, tuy nhiên nó vẫn chưa dừng lại ở đó vì vết đen này phát triển trên bề mặt hình cầu, chứ không phải hình đĩa dẹt như thông thường".
Trung tâm Quan sát Chuyển động Mặt trời (Solar Dynamics Observatory) phát hiện vết đen này khi nó tăng đến kích thước khổng lồ chỉ trong vòng 48 giờ.
Mặc dù các chuyên gia phủ nhận việc vết đen này có thể gây ảnh hưởng "chấn động" Trái đất như đợt mưa thiên thạch khiến 1.200 người bị thương ở Nga vừa qua, nhưng hiện tượng bão từ mạnh vẫn có thể xảy ra, gây khó khăn cho hoạt động của vệ tinh thông tin liên lạc.
(Nguồn tham khảo: HuffingtonPost)
theo Mask